Những năm qua, tỉnh ta đã quan tâm, tạo điều kiện để các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công vươn lên ổn định cuộc sống.
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi về thăm gia đình thương binh Hoàng Công Huyền ở thôn áng Ngũ, xã Ninh Hòa (huyện Hoa Lư). Đó là một ngôi nhà nhỏ xinh xắn, ẩn mình trong sắc màu của cây cảnh và hoa.
Ông Hoàng Công Huyền cho biết: Như bao lớp thanh niên khác, năm 1964, tôi nhập ngũ, được biên chế về Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 52, Sư đoàn 320. Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị được lệnh lên đường vào chiến trường tham gia các trận chiến ở Khe Sanh. Ngay trong trận đấu đầu tiên, tôi đã bị thương, mất 54% sức khỏe, xếp loại thương binh hạng 3/4 và được đơn vị cho đi điều trị, an dưỡng. Năm 1970, sức khỏe hồi phục, ông lại cùng đơn vị tiếp tục vào Nam và sang chiến trường Campuchia. Đến năm 1974, ông được điều về Đoàn thu dung 13, thuộc C.500 ở Tây Ninh, phụ trách quân giới.
Thương binh Hoàng Công Huyền, xã Ninh Hòa (Hoa Lư) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn cây cảnh.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ông Huyền ra quân. Ngày trở về, bên cạnh niềm vui sum họp, ông Huyền còn chất chứa bao nỗi niềm bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn: Cha mẹ đã già, sức khỏe lại yếu, anh trai ông là liệt sỹ, mọi việc gia đình, họ tộc đều do ông gánh vác. Song với tinh thần, ý chí và nghị lực của người chiến sỹ đã được tôi luyện trong chiến tranh, ông không chùn bước trước khó khăn. Vốn có niềm đam mê sinh vật cảnh, lại nhận thấy nhiều người có thú chơi cây cảnh, ông Huyền đã đầu tư kinh phí, thời gian cho việc trồng và chăm sóc cây cảnh. Đến nay, ông đã tạo dựng được một vườn cây đá cảnh tại sân nhà với hàng trăm chậu cảnh, núi cảnh. Có cây được khách chơi mua với giá 300 triệu đồng. Trung bình, mỗi năm từ vườn cảnh ông thu về 200 triệu đồng. Kinh tế ngày càng phát triển, ông Huyền có điều kiện nuôi 4 người con ăn học thành đạt. Không chỉ chăm lo cho gia đình, ông Huyền còn tích cực tuyên truyền, giúp đỡ bà con trong thôn, đồng đội về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong trồng cây cảnh. Trước đây, toàn thôn mới chỉ có hơn 10 hộ trồng cây cảnh thì đến nay đã có 50 hộ tham gia vào Hội sinh vật cảnh của xã, nhiều hộ vượt khó vươn lên làm giàu cũng nhờ trồng cây cảnh. Với thành công ấy, ông Huyền được bầu làm Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện Hoa Lư, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn áng Ngũ… Dù ở cương vị công tác nào ông cũng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, được nhiều người tin yêu.
Trên địa bàn Ninh Bình ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thương binh "tàn nhưng không phế" như ông Hoàng Công Huyền, thực sự là những điển hình tiên tiến cho thế hệ trẻ học tập, noi theo. Nói về những kết quả đạt được, hầu hết các thương binh đều khẳng định: Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự sẻ chia, tin yêu và đùm bọc của cộng đồng chính là nguồn động viên lớn để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, nỗi đau bệnh tật, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hiện nay, tỉnh ta có gần 30.000 đối tượng chính sách, người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Công tác chăm lo, ổn định đời sống người có công được quan tâm. Đến nay, về cơ bản những hồ sơ tồn đọng trước đây đã được giải quyết. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Sở Lao động, Thương binh và xã hội đã giải quyết chế độ, chính sách cho 1.821 lượt đối tượng, trong đó, thực hiện trợ cấp một lần và chế độ mai táng phí cho 520 đối tượng, 74 đối tượng được hưởng trợ cấp chất độc hóa học, 27 đối tượng hưởng các loại trợ cấp tuất; 452 đối tượng hưởng trợ cấp dụng cụ chỉnh hình; 121 người được hưởng BHYT, cấp 97 sổ ưu đãi học sinh, sinh viên, cấp lại 498 Bằng Tổ quốc ghi công cho thân nhân liệt sỹ trên địa bàn tỉnh...
Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc đời sống thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng, tiêu biểu là các phong trào: chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ; dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đón thương binh về an dưỡng tại gia đình; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm... Đến nay, toàn tỉnh đã đón được trên 98% số thương binh nặng về an dưỡng tại gia đình; tặng gần 7.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa với tổng giá trị trên 200 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa được gần 4 nghìn ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng; 100% mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng đến hết đời.
Hàng năm, vào những dịp lễ, Tết, ngày 27-7, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, tổ chức đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã tặng trên 416.000 suất quà tổng trị giá 35 tỷ đồng. Công tác quản lý, xây dựng mộ, nghĩa trang liệt sỹ, nhà bia ghi tên liệt sỹ, đài tưởng niệm… đã được quan tâm. Bằng kinh phí đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực khác, tỉnh ta đã xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 52 nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ, 62 nhà bia ghi tên liệt sỹ. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức chu đáo, trang trọng lễ đón nhận hài cốt các liệt sỹ là con em Ninh Bình hy sinh trên khắp các chiến trường về an táng tại nghĩa trang liệt sỹ quê nhà… Từ hoạt động "Đền ơn, đáp nghĩa" đã xuất hiện nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức có cách làm hay, làm tốt với những việc làm cụ thể, thiết thực để chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Đến nay, UBND tỉnh đã cấp bằng công nhận 145/146 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công.
Nhiều doanh nghiệp tham gia thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, tiêu biểu như: doanh nghiệp Xuân Trường thường xuyên duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thương, bệnh binh, tích cực đóng góp vào quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa", đặc biệt doanh nghiệp Xuân Trường đã hỗ trợ trên 2 tỷ đồng cho chương trình "Trái tim cho em", trong đó ưu tiên cho đối tượng là con của người có công; Tập đoàn kinh tế Xuân Thành cũng đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho chương trình "Trái tim cho em"; Chi nhánh Viettel Ninh Bình tặng quà, sổ tiết kiệm cho tất cả Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh nặng...
Bài, ảnh: Thu Hằng