Chùa Cao Sơn tên thường gọi là Chùa Mơ, hay chùa Bụt Mọc, nằm trên địa phận xã Gia Sơn, huyện Nho Quan. Đây là 1 trong 2 di tích lịch sử của xã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tương truyền đây chính là nơi an nghỉ của Vua Đinh Bộ Lĩnh và Hoàng tử Đinh Liễn. Ngôi chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê, hình chữ Đinh. Đứng bên ngôi cổ tự phóng tầm mắt khắp bốn phương, thấy "Non nước Ninh Bình" đẹp như tranh, khiến lòng thư thái, thêm yêu quê hương, đất nước thanh bình…
Ông Phạm Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Gia Sơn cho biết: Gia Sơn là một xã miền núi của huyện Nho Quan, trong những năm qua kinh tế- xã hội có nhiều phát triển, nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất còn ít, tỷ lệ lao động nông nghiệp còn cao. Nguyên nhân do điều kiện tự nhiên-xã hội của Gia Sơn còn nhiều khó khăn, là một xã vùng ngoài đê, trong vùng phân lũ chậm lũ của tỉnh, các công trình giao thông, thủy lợi thường xuyên bị hư hỏng do lũ lụt gây ra.
Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền xã Gia Sơn xác định việc đầu tư tôn tạo 2 di tích lịch sử Đình Mai và Chùa Mơ là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch, góp phần vào phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Nho Quan, hiện toàn huyện có 52 di tích đã được xếp hạng (trong có có 11 di tích cấp Quốc gia, 41 di tích cấp tỉnh), các di tích tiêu biểu như: Các di tích Quốc gia tại xã Quỳnh Lưu; đền Sầy - xã Sơn Thành; di tích Phủ Đồi Ngang, di tích Đền Mỹ Hạ - xã Gia Thủy; đình Mống, Đình Lá - xã Yên Quang; đình Bái - xã Sơn Thành; đình và chùa Ngọc Mỹ - xã Sơn Lai; Đền Kho - xã Phú Lộc,..
Ngoài ra, còn có trên 200 di tích chưa xếp hạng. Công tác tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp di tích được quan tâm thường xuyên. Ngoài nguồn vốn đầu tư nâng cấp của Trung ương và của tỉnh, hàng năm huyện đã huy động từ 2 -5 tỷ đồng (do nhân dân và các tổ chức xã hội đóng góp) để tu bổ, tôn tạo di tích. Các di tích xếp hạng khi tu sửa đều xin cấp có thẩm quyền cho phép. Các di tích chưa được xếp hạng trên địa bàn huyện đều được kiểm kê, địa phương trùng tu, sửa chữa đều xin phép các cấp quản lý.
Đồng chí Phạm Mạnh Trường, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Nho Quan cho biết: Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể được các cấp và nhân dân quan tâm.
Việc đưa các di tích trọng điểm vào các điểm, tua, tuyến du lịch của tỉnh đã được thực hiện có hiệu quả; thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, chiêm bái và học tập. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng, ngành Văn hóa và thông tin đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương có di tích quán triệt quan điểm "Di tích phải được bảo vệ nguyên trạng, không tự ý đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích. Không được làm thay đổi môi trường cảnh quan di tích. Chỉ thực hiện các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi si tích khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép".
Cũng theo đồng chí Phạm Mạnh Trường, thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung kiện toàn Ban Quản lý di tích khi có sự biến động về thành phần tham gia Ban Quản lý của các di tích trên địa bàn; không tự ý lập thêm các ban, các bộ phận khác để tham gia vào việc quản lý, trùng tu, tôn tạo di tích (như ban khánh tiết, ban hộ tự, ban sửa lễ,..); xây dựng quy chế quản lý, phát huy giá trị di tích; quy chế quản lý và sử dụng tiền công đức, nhằm tăng cường công tác quản lý nguồn lực, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
Chỉ đạo Ban Quản lý di tích bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện để thực hiện tu bổ, tôn tạo di tích, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các địa phương cũng cần có phương án bảo quản hiện vật, giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cảnh quan, không để xảy ra mất mát, thất lạc hoặc hư hỏng hiện vật.
Nơi nào buông lỏng quản lý kiểm tra, để xâm hại đến di tích như: tự ý đưa các hiện vật lạ, ngoại lai, để tổ chức và cá nhân tự ý tu bổ, tôn tạo di tích thì Trưởng Ban Quản lý di tích và Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND huyện và pháp luật.
Nguyễn Thơm