Bên cạnh ưu điểm của loại hình dịch vụ này là đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân trong việc vay tiền giải quyết công việc thì hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ đang có biểu hiện phát triển, kinh doanh trái các quy định của pháp luật, kéo theo sự phát triển của các loại tội phạm như cho vay nặng lãi, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đòi nợ thuê, xiết nợ, cố ý gây thương tích, đây cũng là hoạt động làm nguồn gốc phát sinh các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động mang tính bạo lực, côn đồ theo kiểu "xã hội đen"…
Để quản lý chặt chẽ hoạt động này theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, với vai trò chức trách được giao, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 4/11/2016 về tăng cường quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng Kế hoạch 1148/KH-CAT-PV11 ngày 29/11/2016 để thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh; ban hành Công văn số 220/CAT-PV11 ngày 16/3/2017 về phòng ngừa, đấu tranh với vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Công an toàn tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, giải pháp đề ra.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động "Tín dụng đen" và kinh doanh dịch vụ cầm đồ trái pháp luật để nâng cao nhận thức, hiểu biết của nhân dân nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.
Đã chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn, làm tốt công tác phòng ngừa xã hội gắn với phòng ngừa nghiệp vụ; thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định.
Đồng thời phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật, hoạt động "Tín dụng đen" trên địa bàn.
Kết quả, 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra 189 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn, đã phát hiện 30 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 65 triệu đồng.
Tuy vậy, qua thực tế quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ và đấu tranh với hoạt động "Tín dụng đen", cho vay nặng lãi… trên địa bàn tỉnh nổi lên một số vấn đề cần chú ý:
Tình trạng kinh doanh dịch vụ cầm đồ không có giấy phép hoặc không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép để thu lãi suất cao có chiều hướng gia tăng; vẫn cầm cố tài sản không có giấy tờ sở hữu chính chủ; tài sản cầm đồ được chủ cơ sở cất, giấu tại nơi khác và không ghi vào sổ sách… gây khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm, đặc biệt là khi đối tượng làm giả giấy tờ, hàng hóa mang đến cầm cố.
Các vi phạm của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn chủ yếu mang tính chất vi phạm hành chính, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe nên chủ cơ sở chưa nghiêm túc chấp hành, còn coi nhẹ, cố tình vi phạm. Có sự xuất hiện các băng ổ nhóm tội phạm đứng ra thực hiện hoạt động bảo kê, tranh chấp, phân chia địa bàn, điều tiết, đòi nợ thuê trái phép liên quan đến kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Khi xảy ra mâu thuẫn tranh giành địa bàn, các đối tượng thường sử dụng vũ khí nóng để giải quyết nợ nần, mâu thuẫn, gây mất ANTT và lo lắng trong dư luận nhân dân.
Một số chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ do thiếu hiểu biết hoặc vì sợ truy cứu trách nhiệm nên không thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý các đối tượng phạm tội mang tài sản vi phạm pháp luật đến cầm cố.
Để giải quyết những vấn đề trên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đấu tranh với hoạt động "Tín dụng đen" trên địa bàn, góp phần đảm bảo ANTT, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể sau:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Chỉ thị số 08/CT-BCA ngày 19/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ đòi nợ và các văn bản chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền về công tác này.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết đến 100% các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Nâng cao công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình, địa bàn, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ vi phạm pháp luật, là nguồn gốc phát sinh các loại tội phạm khác, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ.
Phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, đề xuất, kiến nghị phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này để kịp thời sửa chữa, chấn chỉnh.
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Thượng tá Đinh Trọng Soạn(Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH - Công an tỉnh)