Khánh Mậu là một xã thuần nông, đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển của nền kinh thế thị trường đã đem lại những đổi thay nhiều mặt của nông dân nơi đây nhưng đồng thời cũng kéo theo nhiều hệ lụy. Đó là sự tác động mặt trái của phim ảnh cùng các trò chơi trực tuyến trên mạng Internet phát triển đã khiến một số em mắc nghiện các trò chơi games. Bên cạnh đó, một số em nghỉ học sớm, nhận thức về pháp luật kém lại bị các đối tượng xấu rủ rê, ăn chơi đua đòi; một số khác do thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ nên dẫn đến các hành vi như đánh nhau gây thương tích, vi phạm kỷ luật nhà trường, trộm cắp tài sản... Điển hình như trường hợp em P.V.H, ở xóm 1, nhiều lần trộm cắp, đánh nhau, Công an xã đã đưa em vào diện quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư. Một trường hợp khác là em N.V.H ở xóm 9. Do gia đình thiếu quan tâm, chăm sóc, bố hiện thụ án tại trại giam với bản án 15 năm tù, còn mẹ đẻ không nuôi nên H thường hay bỏ học, ăn chơi đua đòi cùng bạn bè…
Thực hiện chỉ đạo của Công an huyện Yên Khánh về làm điểm mô hình, xã Khánh Mậu đã thành lập Ban chỉ đạo mô hình "Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư", gồm 9 thành viên; tổ chức điều tra, khảo sát, lên danh sách các đối tượng vi phạm để đưa vào diện quản lý, giáo dục. Với phương châm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, Ban chỉ đạo mô hình đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của quần chúng nhân dân về quản lý, giáo dục trẻ em. Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của cán bộ các tổ chức đoàn thể, chi bộ trong việc nắm bắt những biểu hiện vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội của thanh, thiếu niên, từ đó kịp thời cảm hóa, giáo dục, thuyết phục những trẻ em vi phạm pháp luật, giúp đỡ các em trở thành người tốt. Lực lượng công an xã với chức năng là cơ quan thường trực, là lực lượng nòng cốt đã chủ động tham mưu giúp Ban chỉ đạo thực hiện hiệu quả mô hình. Định kỳ hoặc đột xuất, công an xã gặp gỡ các đối tượng là trẻ em làm trái pháp luật để nhắc nhở, tuyên truyền, giáo dục, cảm hóa để các em nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình và không tái phạm. Nhà trường và gia đình có trách nhiệm nắm bắt tình hình và kịp thời thông báo cho Ban chỉ đạo trước những biểu hiện bất thường của con em mình để có biện pháp ngăn ngừa kịp thời. Đối với những em có biểu hiện làm trái pháp luật nhưng chưa đến mức gây hậu quả, Ban chỉ đạo yêu cầu các em viết bản kiểm điểm; những trường hợp khác đủ điều kiện thì tiến hành tổ chức kiểm điểm, răn đe trước dân và lập hồ sơ quản lý, đưa vào các trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh.
Với cách làm cụ thể, thiết thực, sau hơn 10 năm thực hiện, mô hình "Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư" ở Khánh Mậu đã thực sự phát huy hiệu quả. Theo thống kê, trong 10 năm (2004- 2014), trên địa bàn xã đã xảy ra 48 vụ vi phạm pháp luật do trẻ em gây ra với 71 đối tượng, trong đó, trộm cắp tài sản 19 vụ, 25 đối tượng; đánh nhau 27 vụ, 44 đối tượng; hủy hoại tài sản 1 vụ, 1 đối tượng… Trong 71 đối tượng thì có 6 em dưới 14 tuổi, 47 em từ 14-16 tuổi, còn lại là trẻ em từ 16-18 tuổi. Đặc biệt, có em lúc vi phạm mới 9 tuổi đã có hành vi trộm cắp xe đạp như trường hợp L.V.H ở xóm 4. Cá biệt có em L.C.B ở xóm 7 lúc vi phạm đang là học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Khánh Mậu… Trong 71 em vi phạm pháp luật đã có 46 em được đưa vào diện quản lý theo mô hình và đã có 41 em được cảm hóa, giáo dục tốt, trở thành người có ích cho xã hội. Tiêu biểu như em P.V.H ở xóm 1 được Hội CCB nhận cảm hóa giáo dục, giúp đỡ, nay đã tiến bộ, học xong THCS, đi học nghề điện tử và nay đã có việc làm ổn định; còn em N.V.H ở xóm 9 được Chi hội phụ nữ giúp đỡ, quyên góp tiền mua sách, vở, em đã có điều kiện cắp sách đến trường…
Cũng từ mô hình "Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật tại cộng đồng dân cư", quần chúng nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với các loại tội phạm. Nhờ vậy mà tình hình ANTT trên địa bàn xã tiếp tục được giữ vững, số vụ trẻ em và người chưa thành niên làm trái pháp luật giảm. Đây là mô hình hiệu quả cần được nhân rộng, góp phần tạo điều kiện để các em sửa chữa khuyết điểm, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên.
Mai Lan