Xã Đức Long (huyện Nho Quan) đến ngày 4/3 có 369 bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó hầu hết đang được cách ly, điều trị tại nhà ở 12 thôn, xóm trong xã. Để hỗ trợ tốt nhất cho F0 điều trị tại nhà, cùng với Trạm Y tế cố định, Trạm Y tế lưu động đã được kích hoạt, gồm 5 thành viên, phân công nhiệm vụ, thường trực 24/24h để hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn, đáp ứng yêu cầu chăm sóc, theo dõi, điều trị F0 tại nhà cũng như các yêu cầu về phòng chống dịch trên địa bàn.
Bác sĩ Trần Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Y tế lưu động xã Đức Long cho biết: Trụ sở Trạm Y tế lưu động đặt tại Trạm Y tế xã. Các thành viên tham gia là nhân viên y tế của Trạm, các nhân viên y tế thôn bản trong xã và một số tình nguyện viên là đại diện chính quyền hoặc các tổ chức, đoàn thể xã hội của xã. Nhiệm vụ của chúng tôi là tổng hợp các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn; hướng dẫn, tư vấn, theo dõi việc chăm sóc sức khỏe cho F0; phát hiện, sơ cấp cứu và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp F0 có diễn biến nặng đến cơ sở y tế phù hợp....
Chị Trần Thị Bích, thôn Cổ Định, xã Đức Long (huyện Nho Quan) cho biết: Khi nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tôi khá lo lắng, sợ lây lan cho các thành viên còn lại trong gia đình. Tuy nhiên, khi được nhân viên Trạm Y tế lưu động hướng dẫn và chính quyền xã thẩm định đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà, tôi hoàn toàn yên tâm thực hiện. Hàng ngày, tôi gửi kết quả SP02, nhiệt độ tự đo, các triệu chứng hiện có vào nhóm Zalo quản lý F0 tại nhà của Trạm Y tế lưu động. Sau 1 tuần cách ly, điều trị nghiêm túc, tôi đã có kết quả âm tính, 3 thành viên còn lại trong gia đình đều giữ kết quả âm tính, không bị lây nhiễm chéo.
"Lúc đầu cách ly tại nhà, tôi cũng băn khoăn, lo ngại, sợ lây bệnh cho chồng và các con còn nhỏ. Nhưng khi được hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà, tôi yên tâm thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, được các nhân viên Trạm Y tế lưu động thăm hỏi thường xuyên, hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe của mình, có gì cần thì thông báo qua nhóm Zalo và trực tiếp. Tôi cũng thấy thoải mái về mặt tư tưởng khi được ở tại nhà mình, nên cũng nhanh khỏi bệnh. Điều vui mừng nhất là các thành viên trong gia đình, đặc biệt là 2 con nhỏ 5 tuổi và 2 tuổi của tôi không bị lây bệnh từ mẹ..." - chị Bích chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan cho biết: Thời gian qua, huyện Nho Quan liên tục là địa phương có số ca mắc COVID-19 thấp nhất tỉnh. Bình quân mỗi ngày có khoảng từ trên một trăm đến gần 300 ca bệnh được phát hiện mới. Toàn huyện thường xuyên duy trì gần 3 nghìn ca bệnh, trong đó chủ yếu tại các cơ sở điều trị tập trung. Có được kết quả đó là do huyện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch phù hợp với thực tế diễn biến dịch trên địa bàn.
Theo đó, để kiểm soát và hỗ trợ điều trị cho các F0 đang cách ly tại nhà, huyện Nho Quan đã kích hoạt 27 Trạm Y tế lưu động tại 27 xã, thị trấn trên địa bàn. Tại các Trạm Y tế lưu động được trang bị bình oxy và cơ số thuốc cấp cứu tạm thời theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò của Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định 5K, tư vấn, hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, theo dõi, điều trị F0 tại nhà, hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây chéo trong gia đình và lây lan rộng trong cộng đồng.
Theo nhiều người dân và đại diện chính quyền các địa phương, qua thực tế cho thấy, hoạt động điều trị F0 tại nhà không chỉ giúp người mắc COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ có điều kiện điều trị thoải mái ngay tại nhà, giảm áp lực cho các cơ sở y tế, mà còn phát huy vai trò giám sát của chính quyền, ngành Y tế cơ sở và của cộng đồng. Điều này cũng đặt ra vấn đề chính quyền địa phương cần có sự quản lý chặt chẽ, nhắc nhở, tuyên truyền không để người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định trong cách ly, điều trị tại nhà.
Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc các F0 thể nhẹ cách ly, điều trị tại nhà là tất yếu, phù hợp với thực tế tình hình dịch bệnh hiện nay. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đã có tình trạng F0, F1 chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, khi mắc bệnh và các trường hợp nguy cơ cao vẫn đi lại, ra ngoài, mua bán hàng hóa... Thậm chí, một bộ phận người dân có tâm lý dấu bệnh, không khai báo y tế. Cho rằng đã tiêm đủ 3 mũi nên mắc bệnh cũng nhẹ, tự ở nhà điều trị, dẫn đến lây lan bệnh cho người thân và cộng đồng.
Trước thực tế này, chính quyền các địa phương, các lực lượng chức năng, thành viên các Tổ COVID cộng đồng, Tổ chăm sóc bệnh nhân COVID-19... cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở, có hình thức xử lý, xử phạt nghiêm và thông báo trên đài truyền thanh cơ sở về các trường hợp mắc COVID-19 không thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, điều trị tại nhà. Tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao ý thức, tránh tâm lý chủ quan cả nhà ở cùng cũng sẽ lây nhau hoặc rồi ai cũng sẽ là F0, làm lây lan mạnh và bùng phát dịch trong cộng đồng.
Hiện nay, bằng nhiều hình thức, qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội hoặc các lực lượng được phân công làm nhiệm vụ, mỗi F0 và người dân có thể yên tâm khi mắc bệnh điều trị tại nhà, dưới sự giám sát của ngành Y tế. Đồng thời, mỗi người dân, gia đình cần nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch, tuân thủ nghiêm các quy định cách ly, điều trị khi mắc COVID-19, bảo đảm sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh