Kỳ 1: Nguy cơ tiềm ẩn từ bể bơi
Vào mùa hè, mọi người đặc biệt là trẻ em thường tìm đến bể bơi để bơi, đồng thời coi đó như một cách để giải nhiệt. Tuy nhiên, do số lượng bể bơi còn hạn chế trong khi lượng người đi bơi lại đông và tập trung ở một thời gian nhất định trong ngày nên hầu hết các bể đều bị quá tải, chất lượng nước không đảm bảo, ẩn chứa nhiều tác hại đối với sức khỏe con người
Tìm hiểu thực tế tại các bể bơi như Bể 1-6, The Visai, Lavender… vào các buổi chiều hè, luôn đông nghịt người, trong đó phần lớn là trẻ em. Thậm chí vào thời điểm nắng nóng hoành hành, người đến bể bơi chỉ có thể lội bởi mỗi mét vuông mặt nước có tới vài ba người. Bể bơi quá tải tất yếu dẫn đến không đảm bảo vệ sinh. Có nhiều câu hỏi được đặt ra: Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của hệ thống bể bơi? Các bể bơi trên địa bàn tỉnh có bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh trong quá trình hoạt động, nhất là khi với nhu cầu tăng cao, hầu hết bể bơi vẫn "cố đấm ăn xôi" chỉ biết "xé vé" vào bể mà bỏ qua việc đáp ứng chất lượng dịch vụ?.
Chị Nguyễn Thị Phương, phường Vân Giang (TP Ninh Bình) chia sẻ: Vài lần tôi đưa con đến bể bơi tắm, nhìn màu thì nước rất xanh, nhưng chỉ đứng ở trên bờ thôi cũng ngửi thấy mùi hóa chất bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Tôi không chắc lượng hóa chất mà chủ bể bơi cho vào để xử lý nước đảm bảo đúng liều lượng theo quy định.
Bể bơi là nơi có thể dẫn tới nhiều nguy cơ phát tán các bệnh truyền nhiễm gây hại về sức khỏe như bị các bệnh da liễu, bệnh về mắt, tai - mũi - họng, đặc biệt là bệnh đường hô hấp… Và thực tế, không ít người đi bơi về phản ánh họ bị mẩn ngứa, đau mắt…
Bà Vũ Thị Kim Hoa, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và sức khỏe trường học, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cảnh báo: Để sát trùng loại bỏ các vi khuẩn có hại, diệt rêu tảo và nhiều chất ô nhiễm trong nước khác, thay vì thay nước thường xuyên, hiện nay hầu hết các bể bơi công cộng sử dụng các loại hóa chất để xử lý nước.
Tuy nhiên nếu các loại hóa chất này bị lạm dụng, sử dụng không đúng cách, quá liều lượng có thể gây hại cho sức khỏe và làn da con người. Phổ biến là gây nhờn trên da phải rửa kỹ bằng nước sạch mới hết, nặng hơn là dị ứng, mẩn ngứa, đỏ rát. Riêng sulfat đồng khi nuốt vào cơ thể gây viêm đại tràng, dạ dày, ảnh hưởng gan, hô hấp…
Ngoài ra, bể bơi công cộng là nơi tập trung nhiều người, mọi thành phần, mọi đối tượng trong đó có cả những người đang mắc các bệnh ngoài da hoặc nhiễm khuẩn sinh dục tiết niệu, bệnh về mắt… Vi khuẩn gây bệnh hòa lẫn vào nước, phát tán truyền nhiễm, gây hại cho những người khỏe mạnh.
Bên cạnh việc nguồn nước bể bơi không đảm bảo dễ dẫn đến những bệnh truyền nhiễm thì vấn đề an toàn trong bể bơi cũng đang dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các bậc phụ huynh và đặc biệt là đối với cơ quan chức năng quản lý trên địa bàn.
Theo Thông tư số 02/2011 và Thông tư 14/2014 của Bộ VH-TT&DL về điều kiện hoạt động bơi, lặn, để kinh doanh hoạt động bơi lặn, ngoài đảm bảo các quy định về diện tích, hạng mục trong khuôn viên bể bơi như mái che, phòng thay đồ, bể tắm tráng, phao cứu sinh, các thông số của mẫu nước thì nhân lực phục vụ tại đây cũng được quy định rất chặt chẽ, rõ ràng: nhân viên chuyên môn huấn luyện luyện tập (người dạy bơi) phải là huấn luyện viên, hướng dẫn viên, vận động viên từ cấp II trở lên; có bằng cấp chuyên ngành về thể dục thể thao phù hợp từ bậc trung cấp trở lên; có giấy chứng nhận chuyên môn do Liên đoàn Thể thao quốc gia hoặc cấp quốc tế tương ứng cấp; giấy chứng nhận được đào tạo chuyên môn do sở VH-TT&DL tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cấp.
Nhân viên cứu hộ phải có chứng nhận cứu hộ do sở VH-TT&DL tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư hoặc Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cấp; đảm bảo tỷ lệ 200 m2 bể bơi/nhân viên hoặc khi có đông người tham gia tập luyện phải có 50 người/nhân viên. Nhân viên cứu hộ và y tế phải thường trực ở bể bơi trong thời gian hoạt động. Các chỉ tiêu chất lượng nước bể bơi phải được kiểm tra, giám sát định kỳ. Ngoài ra, bể bơi cũng phải bảo đảm các quy định về thời gian hoạt động, vệ sinh, môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ…
Quy định chặt chẽ là vậy, song hầu hết các đơn vị quản lý, kinh doanh bể bơi trên địa bàn chưa thực hiện đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn này.
Kỳ 2: Nhiều lỗ hổng trong công tác quản lýNắm bắt được nhu cầu bơi lội, rèn luyện sức khỏe của người dân ngày càng cao, nhất là trong dịp hè, nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các bể bơi, phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, vấn đề quản lý hoạt động tại những bể bơi này hiện nay vẫn có nhiều điều còn bỏ ngỏ. Thả nổi chất lượng nước
Theo Thông tư 14/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2011/TT-BVHTTDL quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn), nước bể bơi phải đáp ứng được mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng nước sinh hoạt áp dụng đối với các hình thức khai thác nước của cá nhân, hộ gia đình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt (QCVN 02:2009/BYT).
Cụ thể, 14 chỉ tiêu về chất lượng nước bao gồm: mầu sắc, mùi vị, độ đục, clo dư, pH, hàm lượng amoni, hàm lượng sắt tổng số, chỉ số pecmanganat, độ cứng, hàm lượng clorua, hàm lượng Florua, asen tổng số, coliform tổng số, e.coli hoặc coliform chịu nhiệt phải được kiểm tra, giám sát theo quy định.
Các chỉ tiêu thuộc mức độ A xét nghiệm ít nhất 1 lần/tháng do cơ sở thể thao thực hiện; kiểm tra, giám sát, xét nghiệm ít nhất 1 lần/3 tháng do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Cơ sở thể thao có trách nhiệm lưu mẫu nước mỗi lần xét nghiệm ít nhất trong 5 ngày, kể từ ngày kiểm tra.
Quy định thì đã rõ nhưng trên thực tế việc này được các cơ quan quản lý nhà nước và các chủ bể bơi thực hiện như thế nào? Trao đổi với bà Đinh Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh, đơn vị quản lý bể bơi 1-6, được biết: Hiện tại, cơ sở có 3 bể gồm 1 bể to khoảng 400 m2 và hai bể nhỏ trên dưới 100 m2. Các bể này đều được lắp đặt hệ thống lọc nước tuần hoàn của Italia và các máy lọc bằng ozôn.
Ngoài ra mỗi ngày tiến hành vệ sinh nước 1 lần vào ban đêm bằng clo và đo pH thường xuyên. Còn mẫu nước thì năm nào cũng gửi đi xét nghiệm 1 lần tại Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế. Như vậy, cơ sở này đã thực hiện xét nghiệm là 1 lần/1 năm thay vì 1 lần/tháng hoặc 1 lần/3 tháng (tùy từng chỉ tiêu) theo quy định.
Nhưng theo bà Trần Thị Hiên, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao, Sở Văn hóa& Thể thao thì Bể bơi 1-6 còn là một trong những đơn vị thực hiện tốt nhất các quy định về việc xử lý nước cũng như quản lý, giám sát chất lượng nước và lưu mẫu nước hàng ngày. Cũng theo bà Hiên thì hàng năm đơn vị cũng có phối hợp với Thanh tra Sở đi kiểm tra các bể bơi trên địa bàn nhưng chủ yếu là nhắc nhở về việc có đủ phao, nhân viên cứu hộ, y tế, biển báo...theo quy định hay không.
"Chất lượng nước mình làm sao có máy móc mà xét nghiệm được, chúng tôi không gửi mẫu nước đi xét nghiệm bao giờ cả. Y tế dự phòng mới có thẩm quyền. Không cần phải kiểm tra định kỳ đâu. Cứ miễn làm sao đảm bảo cho người dân bơi được là được", đó là lời khẳng định của bà Hiên.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Trung tâm y tế dự phòng, Sở Y tế. Đại diện Trung tâm cho biết: Toàn bộ bể bơi là do ngành Văn hóa Thể thao quản lý. Các cơ sở thể thao có thể mang mẫu nước của mình đến bất kỳ cơ sở y tế nào được cấp phép để xét nghiệm. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây Trung tâm không tiếp nhận, xét nghiệm mẫu nước của bất kỳ cơ sở bơi lội nào trên địa bàn.
Nhiều bể bơi hoạt động không phép
Thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay trên địa bàn Ninh Bình có khoảng 10 bể bơi kiên cố cỡ lớn, trong đó tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình (bao gồm bể bơi 1/6, Lavender, Thành Nam, The Vissai, Tháng 8), Nho Quan có bể bơi Cúc Phương, Yên Khánh có bể bơi Khánh Cư…
Ngoài ra còn có một số bể bơi nằm trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các loại bể bơi thông minh, bể bơi bằng bạt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có duy nhất 2 bể bơi đã được cấp phép là bể bơi Lavender và bể bơi Thành Nam. Các bể bơi còn lại tất nhiên vẫn tự nhiên hoạt động mà không cần biết đến cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh...
Căn cứ Thông tư 02/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố là cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân khi tổ chức hoạt động bơi, lặn vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động chuyên môn trên địa bàn. Mặc dù nhiều lần liên hệ làm việc với lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao nhưng vị này cho rằng: "Sở chỉ có trách nhiệm cấp phép, còn việc hoạt động thì theo Luật doanh nghiệp".
Một số trưởng phòng văn hóa huyện, thành phố khẳng định, hiện địa phương cũng lúng túng trong việc quản lý hoạt động của các bể bơi. Vì sao tỷ lệ các bể bơi được cấp phép trên địa bàn tỉnh thấp như vậy và trách nhiệm cấp phép, giám sát quản lý hoạt động kinh doanh bể bơi của cơ quan chức năng mà trực tiếp là Sở Văn hóa &Thể thao đến đâu?
Đành rằng, hiện nay tỉnh ta đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, thành lập các cơ sở dịch vụ hoạt động thể thao, trong đó bộ môn bơi lội lại càng được khuyến khích bởi nhu cầu giảng dạy phòng chống đuối nước trong trẻ em. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nới lỏng các quy định, tạo ra những lỗ hổng trong quản lý để các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị chủ quản các bể bơi hoạt động kinh doanh trái luật.
Hà Phương