Lý giải về việc thiếu phòng học, cô giáo Hoàng Thị Hải, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Thành dẫn chứng: Trường thành lập vào năm 2005 với quy mô 6 nhóm, lớp, nhận 170 trẻ vào học nên diện tích 1.600 m2 của trường khi đó là hoàn toàn phù hợp với quy mô trường lớp lúc đó. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, số trẻ đã tăng gấp 2,5 lần so với trước (375 trẻ) với 9 nhóm, lớp nhưng diện tích, số phòng học, phòng bộ môn vẫn vậy. Trong khi, theo điều tra dân số độ tuổi trên địa bàn phường có tới 970 trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Với cơ sở vật chất được xây dựng từ 10 năm nay, dù muốn thì nhà trường cũng không thể đáp ứng được nhu cầu gửi con của các bậc phụ huynh trên địa bàn. Với số trẻ vượt quá quy định, Trường phải tận dụng thêm 3 phòng chức năng để làm phòng học. Một số lớp là 2 lớp 4 tuổi và 1 lớp 3 tuổi phải xếp số trẻ vượt quá quy định là 25 trẻ/lớp thành 52 trẻ/lớp. Khó khăn hơn nữa trong việc sắp xếp việc ăn ngủ của nhà trường. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường mầm non phải có phòng ngủ riêng cho trẻ, nhưng lớp học còn thiếu thì trường lấy đâu ra phòng ngủ nên chỉ tính riêng về phòng ngủ cho trẻ, nhà trường thiếu tới 12 phòng. Mặc dù nhà trường đã báo cáo và có ý kiến nhiều lần với các cấp chính quyền nhưng việc giải quyết vẫn… "dậm chân tại chỗ" do nhiều nguyên nhân. Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, địa phương cũng đang tính đến phương án xin tỉnh và thành phố chấp thuận để trường xin địa điểm sân vận động của phường làm địa điểm xây dựng trường mầm non mới bởi trên địa bàn phường đã có sân vận động của thành phố. Hiện phương án này đã được địa phương và thành phố chấp thuận, đang tiến hành các thủ tục để trình các cấp có thẩm quyền giải quyết. Nếu phương án này được giải quyết, cô và cháu Trường Mầm non Đông Thành hy vọng các năm học tới sẽ có thêm 10 phòng học, 16 phòng ngủ, 2 phòng chức năng để đảm bảo thực hiện tốt việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ. Với Trường Tiểu học Quang Trung (phường Nam Bình), khó khăn về cơ sở vật chất lại nằm ở việc số học sinh của Trường ngày càng tăng và trường lớp đã xuống cấp mà chưa có kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Cô giáo Lưu Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa nên số học sinh của nhà trường ngày càng tăng do nhiều gia đình chuyển hộ khẩu, tạm trú về thành phố… Như năm học 2015-2016, riêng tuyển sinh lớp 1 là 130 học sinh, tăng khoảng 60 em so với năm học trước. Thực tế là trường chỉ có 16 phòng học trong khi năm học mới sắp đến, với 645 học sinh, Trường cần tới 20 phòng học. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, các năm học trước nhà trường đã tận dụng thêm 3 phòng phục vụ học tập để làm lớp học. Thậm chí, có năm học mà quy mô lên tới 21 lớp, trường phải sử dụng cả phòng họp của nhà trường để làm lớp học. Mỗi khi có đoàn công tác, kiểm tra đến làm việc, học sinh lại phải "sơ tán" sang các lớp học khác rất vất vả và phức tạp.
Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Quang Trung còn chịu cảnh cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng khi 2 khu phòng học cao tầng được xây dựng đã lâu đang có hiện tượng trần nhà bong tróc, lún móng, xuất hiện một số khe hở nứt kéo dài từ tầng 2 xuống tầng 1, gây nguy hiểm cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường. Trước thềm năm học mới 2015-2016, Trường đang được thành phố đầu tư 1,2 tỷ đồng để xây dựng nhà ăn bán trú và phòng bảo vệ, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm học. Sự quan tâm này cũng là nguồn động viên kịp thời đối với nhà trường. Tuy nhiên, tình trạng trường lớp xuống cấp và thiếu phòng học của nhà trường chưa biết đến bao giờ mới được quan tâm giải quyết?
Trao đổi với đồng chí Bùi Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố được biết thêm: Năm học 2015-2016, toàn thành phố có 22.272 học sinh ở 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS với 678 lớp, 41 trường. Trong đó, qua khảo sát của Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố trước thềm năm học mới, toàn ngành thiếu 91 phòng học và 205 phòng bộ môn. Trong đó, bậc mầm non thiếu 44 phòng học, 152 phòng bộ môn; bậc tiểu học thiếu 32 phòng học và 35 phòng bộ môn; THCS thiếu 15 phòng học và 18 phòng bộ môn… Qua kiểm tra hàng năm của Phòng Giáo dục và ngành chức năng, 100% trường trên địa bàn thành phố đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 15 trường đạt chuẩn mức độ 2. Kết quả này cho thấy điều kiện về cơ sở vật chất của các nhà trường là đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phục vụ dạy và học. Ngoài một số trường thực sự khó khăn về cơ sở vật chất (xuống cấp, diện tích chật hẹp không đảm bảo cho dạy và học) như: Trường Mầm non Đông Thành, Trường Mầm non Vân Giang, Trường Mầm non Nam Bình…, các trường trên địa bàn thành phố gặp khó khăn vì thiếu phòng học lại xuất phát từ… học sinh.
Những năm qua, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nên kéo theo số lượng người nhập hộ khẩu, tạm trú trên địa bàn thành phố để theo học, đi làm ăn, công tác tăng. Trong đó, những gia đình có con cái ở độ tuổi học mầm non, tiểu học, THCS chiếm số lượng lớn. Theo thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố, mỗi năm số lượng học sinh tăng theo từ 500- 800 em ở cả 3 cấp học. Đặc biệt, ở bậc tiểu học, số học sinh hàng năm tăng nhanh: nếu như những năm trước, hàng năm chỉ có khoảng 1.000-1.200 học sinh, thì đến nay con số này đã là 1.600-2.000 em. Năm học 2015-2016, toàn thành phố tuyển sinh 2.200 học sinh vào học lớp 1, tăng 600 em so với năm học trước, trong khi số học sinh lớp 5 lên lớp 6 chỉ có 1.600 học sinh… Điều này dẫn đến tình trạng hầu hết các trường không đủ phòng học. Hiện nay, chỉ trừ 3 Trường Tiểu học Ninh Phong, Ninh Nhất và Ninh Tiến đủ phòng học, còn lại tất cả các trường đều khó khăn vì số học sinh nhiều hơn số lớp. Như Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, chỉ riêng một khối đã có hơn 300 học sinh, gần bằng số học sinh của cả một trường ở khu vực nông thôn. Để khắc phục tình trạng này, các trường thực hiện các biện pháp trước mắt như: tổ chức học luân phiên đối với các trường tiểu học, tổ chức học buổi chiều đối với các trường THCS, tận dụng phòng học bộ môn, phòng chức năng để làm phòng học, tăng sĩ số học sinh/lớp vượt quá quy định… Tuy nhiên, về lâu dài, không thể để tình trạng này tồn tại vì ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tại các nhà trường.
Cùng với các giải pháp mang tính chất tạm thời, trước mắt, để giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu cơ sở vật chất trường lớp, Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố đã tham mưu với thành phố phương án xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn cho các giai đoạn tiếp theo, xin ý kiến phương án mở rộng quy mô, khuôn viên, xây dựng thêm các phòng học, phòng chức năng cho các nhà trường, tạo điều kiện, động viên để phát triển thêm các loại hình giáo dục ngoài công lập đối với bậc học mầm non để giảm quá tải cho các trường mầm non công lập… Trước thềm năm học mới 2015-2016, trên địa bàn thành phố đã có thêm các công trình phòng học mới được xây dựng như: công trình 16 phòng học Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, 12 phòng học Trường THCS Ninh Khánh, 18 phòng học cho Trường THCS Ninh Thành… Theo kế hoạch và lộ trình, sẽ có thêm nhiều phòng học, phòng bộ môn được đầu tư xây dựng cho các nhà trường để phục vụ tốt nhu cầu dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện tại các nhà trường trên địa bàn thành phố.
Bùi Diệu