Trên khâu lưu thông, các đối tượng thường phân tán nhỏ lẻ hàng hóa, tạo hầm, hốc ngụy trang; sử dụng phương tiện có nhiều ngăn, nhiều đáy, tháo ghế để vận chuyển; trà trộn hàng hóa bất hợp pháp với hàng hóa hợp pháp; xé nhỏ hàng hóa vi phạm thành nhiều chuyến, nhiều xe; quay vòng hóa đơn, quay vòng hồ sơ nguồn gốc hàng hóa để đối phó, trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.
Một số đối tượng đầu nậu chuyên nghiệp thuê ô tô khách, tàu hỏa hoặc trực tiếp vận chuyển bằng xe cá nhân nhưng sử dụng biển số của cơ quan, tổ chức Nhà nước để buôn bán, vận chuyển hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, lâm sản, động vật hoang dã quý hiếm, rượu ngoại… từ các tỉnh biên giới Tây Bắc, các tỉnh miền Trung, miền Nam qua địa bàn Ninh Bình gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.
Trên thị trường tình hình kinh doanh, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn xảy ra và chủ yếu vào thời điểm khi người dân có nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong các dịp lễ, Tết; đặc biệt là tại các địa bàn có nhu cầu tiêu dùng lớn như thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp; hoặc len lỏi trong các chợ vùng sâu, vùng xa, địa bàn giáp ranh như Nho Quan, Yên Khánh, Kim Sơn. Thủ đoạn các đối tượng là bày bán hàng giả lẫn với hàng thật; hoặc lợi dụng hình thức hộ kinh doanh cá thể để gia công, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ra thị trường. Mặt hàng chủ yếu là: bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá, mỳ chính, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử, điện lạnh, vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi.
Trước tình hình đó, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng Cảnh sát kinh tế chủ trì phối hợp chặt chẽ với Công an các huyện, thành phố và các ban ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về vấn đề này, thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm và vi phạm về hàng giả để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phát hiện, tố giác các vi phạm với lực lượng chức năng.
Đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu; buôn bán, vận chuyển hàng cấm; sản xuất, buôn bán hàng giả; vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Kết quả, từ năm 2015 đến nay, đã phát hiện, xử lý 218 vụ, 227 đối tượng, trong đó: khởi tố 14 vụ, 17 bị can; xử lý hành chính 204 vụ; thu giữ trên 326 kg pháo nổ các loại; 25,3 m3 gỗ quý, hiếm; 118 cá thể tê tê có trọng lượng 640 kg; 49 kg các bộ phận cá thể sơn dương; 25 cá thể rắn hổ mang chúa trọng lượng 40,6 kg; 1.625 kg mỳ chính giả; 5.620 bao thuốc lá điếu nhập lậu; 6,25 tấn phân bón; 11,5 tấn nội tạng động vật; 16 tấn sản phẩm động vật; số lượng lớn điện thoại di động, các mặt hàng điện tử, thiết bị máy móc, thuốc tân dược, mỹ phẩm, quần áo và nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ, tổng trị giá trên 15,4 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ kinh doanh hàng nhập lậu trị giá hàng trăm triệu đồng. Lực lượng Cảnh sát kinh tế đã trực tiếp xử phạt và tịch thu tang vật sung quỹ Nhà nước trên 9,3 tỷ đồng.
Kết quả trên đã góp phần đảm bảo tốt ANTT, tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Thông qua công tác đấu tranh, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh rút ra một số bài học kinh nghiệm như:
Trong quá trình triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu phải luôn bám sát sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh; sự hướng dẫn về nghiệp vụ của Cục Chống buôn lậu và Cục Cảnh sát kinh tế, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn.
Đồng thời thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, lực lượng trong và ngoài ngành; tranh thủ được sự tham gia, giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả.
Chú trọng công tác nắm tình hình trên tuyến, các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, nghiên cứu, tìm ra quy luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và vi phạm về lĩnh vực này để tập trung đấu tranh có hiệu quả.
Chú trọng công tác sơ, tổng kết, nhất là các chuyên án, vụ án, những đợt cao điểm, kế hoạch chuyên đề về đấu tranh đối với tội phạm buôn lậu, hàng giả, hàng cấm nhằm đánh giá đúng thực trạng tình hình, rút ra những bài học cũng như tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trên cơ sở đó đề ra phương hướng trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Kịp thời tham mưu cho Giám đốc chỉ đạo, triển khai các nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng Cảnh sát kinh tế.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong nhân dân về vấn đề, tích cực phối hợp với lực lượng Công an trong phát hiện, tố cáo, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm, đồng thời tạo sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Thời gian tới, nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặt ra rất nặng nề. Với vai trò nòng cốt, phát huy những kết quả đã đạt được, lực lượng Cảnh sát kinh tế tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, góp phần đảm bảo tốt ANTT, tạo môi trường lành mạnh, ổn định, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại tá Đỗ Duy Tư(Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh)