Để Luật Phòng, chống BLGĐ từng bước đi vào cuộc sống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho Tỉnh ủy triển khai thực hiện Chỉ thị số 49/CT-T.Ư của Ban Bí thư (khóa IX), Thông tri số 30-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xây dựng gia đình thời kỳ CNH, HĐH đất nước". Tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tỉnh Ninh Bình. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 26-TB/T.Ư ngày 9-5-2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/T.Ư của Ban Bí thư (khóa IX) gắn với nội dung thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ.
Các huyện, thành phố, thị xã, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã nghiêm túc kiểm điểm đánh giá kết quả và việc thực hiện các quan điểm, đường lối chỉ đạo, chỉ ra những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm, đặc biệt đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực trong công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ tại địa phương, đơn vị. Thông qua đó đã tạo được sự chuyển biến trong việc phối hợp giữa các cấp, các ngành thực hiện các mục tiêu của Chiến lược gia đình và phòng, chống BLGĐ.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ký kết liên tịch các chương trình phối hợp tuyên truyền xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ; cụ thể hóa trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" với các nội dung thi đua: Xóa đói, giảm nghèo; ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc...
Với phương châm hướng về cộng đồng và dựa vào cộng đồng trong việc hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, UBND các xã, phường, thị trấn công bố địa chỉ tin cậy trên địa bàn, tạo điều kiện cho người dân tham gia công tác phòng, chống BLGĐ. Các ngành Công an, Tư pháp, Hội Phụ nữ các cấp luôn chú trọng phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, không để tình trạng bạo hành gia đình kéo dài. Đến nay, 145/145 xã, phường, thị trấn đã triển khai các hoạt động xây dựng, củng cố các Tổ hòa giải, hình thành các nhóm can thiệp phòng, chống BLGĐ. Toàn tỉnh có 121 Trạm y tế thực hiện có hiệu quả việc bố trí nơi tạm lánh, điều trị, sơ cấp cứu và tư vấn cho nạn nhân; 1.285 CLB, 884 nhóm phòng, chống BLGĐ; 309 địa chỉ tin cậy; 1.653 Tổ hòa giải đang được duy trì hoạt động.
Theo số liệu thống kê từ cơ sở, từ năm 2009 đến hết năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 1.048 vụ BLGĐ; trong đó, bạo lực về tinh thần có 470 vụ, bạo lực thân thể là 730 vụ, bạo lực kinh tế có 171 vụ, bạo lực tình dục có 37 vụ; đặc biệt có 132 vụ trẻ em và 91 vụ người già là nạn nhân BLGĐ. Theo đó, các tổ chức, đoàn thể đã thực hiện các biện pháp xử lý, trong đó có 1.222 vụ góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư; 116 vụ áp dụng biện pháp giáo dục tại cộng đồng và gia đình; 16 trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; 46 trường hợp xử phạt hành chính và 8 trường hợp bị xử lý hình sự.
Có thể nói, những năm đầu triển khai thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ, hầu hết người dân cho rằng, BLGĐ là việc riêng tư của gia đình nên khi xảy ra sự việc, chuyện trình báo và sự tham gia can thiệp của cộng đồng chưa nhiều, chủ yếu là một số vụ bạo hành lớn về thể chất. Sau 6 năm triển khai thực hiện Luật, đặc biệt là công tác thông tin, truyền thông được đẩy mạnh, việc thực hiện mô hình phòng, chống BLGĐ và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, người dân đã cơ bản hiểu được thế nào là bạo lực gia đình và tác hại của nó, nên từng bước tích cực tham gia phòng, chống BLGĐ, số nạn nhân BLGĐ khai báo đã tăng; đặc biệt một số hình thức bạo lực nhạy cảm như bạo lực kinh tế, bạo lực tình dục đã được nạn nhân khai báo…
Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu trong thực hiện Luật phòng, chống BLGD, tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó nhận thức và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư cho công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ ở một số địa phương, một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các ngành, đoàn thể ở cơ sở trong việc triển khai và tổ chức thực Luật Phòng, chống BLGĐ có nơi chưa chặt chẽ và hiệu quả chưa cao.
Lực lượng cộng tác viên, tuyên truyền viên công tác gia đình tuy đông nhưng chất lượng còn thấp. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng, đặc biệt nạn nhân BLGĐ, người dân ở vùng sâu, vùng xa còn có mức độ. Nội dung sinh hoạt và hoạt động các CLB, nhóm phòng, chống BLGĐ chất lượng chưa cao; việc phát hiện, thống kê báo cáo, việc xử lý các hành vi vi phạm BLGĐ có nơi, có lúc chưa kịp thời, chưa tạo sức mạnh dư luận…
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, cần quan tâm chú trọng vào một số giải pháp khắc phục. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản của Đảng, Nhà nước, của UBND tỉnh về công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ ở các cấp.
Tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, đồng thời phát huy vai trò của hương ước, quy ước trong phòng, chống BLGĐ. Đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động cổ động trực quan, truyền thông, vận động để người dân hiểu rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, các giá trị đạo đức, lối sống tốt đẹp trong gia đình; phòng ngừa những tệ nạn tiêu cực xâm nhập vào đời sống gia đình. Hoàn thiện và ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ở các cấp trong hoạt động phòng, chống BLGĐ. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nghiêm khắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.
Tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ "Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng và nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ" đảm bảo đến năm 2015 có ít nhất 55% và đến năm 2020 có 100% số xã, phường, thị trấn xây dựng hoàn thiện mô hình phòng, chống phòng, chống BLGĐ, củng cố và thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng trên địa bàn dân cư. Gắn kết công tác phòng, chống BLGĐ trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị. Tăng cường tập huấn (đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã) để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phát hiện, tư vấn, hòa giải, thu thập thông tin số liệu cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên, cộng tác viên và hòa giải viên cơ sở, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ.
Phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi bạo lực; hỗ trợ nạn nhân, hòa giải mâu thuẫn trong gia đình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ. Nghiêm túc thực hiện quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống BLGĐ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động tích cực, sáng tạo ở mỗi cấp, mỗi ngành và khu dân cư…
Mỹ Hạnh