Kể từ khi Luật có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Luật PCBLGĐ tới lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, thị xã. Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch hành động PCBLGĐ giai đoạn 2008-2015 của tỉnh. Các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn đã thành lập Ban chỉ đạo PCBLGĐ.
Để Luật PCBLGĐ thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tập trung tuyên truyền vào những dịp cao điểm như Ngày gia đình Việt Nam (28-6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25-11)…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền công tác PCBLGĐ. Các sở, ban, ngành, đoàn thể mở nhiều lớp tập huấn và tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới và các văn bản có liên quan như: Sở Tư pháp đã chỉ đạo Phòng tư pháp các huyện, thành phố, thị xã tổ chức hàng chục buổi tập huấn cho 1.200 lượt cán bộ làm công tác hòa giải của 146 xã, phường, thị trấn; hơn 100 buổi tuyên truyền, tư vấn, phổ biến Luật PCBLGĐ, Luật Bình đẳng giới cho hàng nghìn cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Trung tâm trợ giúp pháp lý tổ chức nhiều buổi tuyên truyền lưu động, phổ biến pháp luật hôn nhân và gia đình và Luật PCBLGĐ.
Đặc biệt, các cấp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn thanh niên, Hội Người cao tuổi... cùng phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến kỹ năng làm vợ, chồng, cha, mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng, kinh nghiệm và kiến thức phát triển sản xuất, tăng mức thu nhập trong gia đình... nhằm góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của xã hội và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới.
UBND tỉnh đã chỉ đạo tuyên truyền lồng ghép nội dung PCBLGĐ vào các hoạt động của phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "Xây dựng nông thôn mới" và "Xây dựng đô thị văn minh".
Các ban, ngành, đoàn thể đã cụ thể hóa nội dung PCBLGĐ với các nội dung thi đua như phong trào: "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Xóm, phố bình yên, gia đình hạnh phúc", phong trào xóa đói, giảm nghèo..., đồng thời gắn nội dung PCBLGĐ với việc đăng ký và bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa"…
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Ninh Bình đã chọn xã Văn Phương (Nho Quan) làm điểm triển khai mô hình can thiệp PCBLGĐ. Kết quả đã thành lập được 5 CLB Gia đình phát triển bền vững với 153 thành viên và 5 nhóm PCBLGĐ ở 5 thôn của xã.
Mỗi câu lạc bộ được trang bị một tủ sách, mỗi tủ có 63 đầu sách tuyên truyền, hướng dẫn về luật pháp, giáo dục đời sống gia đình, về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình, về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc...
Từ mô hình điểm này, từ tháng 7 năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rút kinh nghiệm triển khai nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã củng cố, duy trì có hiệu quả 953 tổ hòa giải/1670 làng, bản, khu phố trong toàn tỉnh; thành lập 638 nhóm PCBLGĐ; 264 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; trên 320 cơ sở tư vấn phòng, chống, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; 114 cơ sở y tế khám, chữa bệnh và tạm lánh cho nạn nhân bạo lực gia đình; xây dựng 322 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững…
Qua các hoạt động truyền thông và công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật PCBLGĐ, nhận thức cho các gia đình chủ động ngăn chặn bạo lực gia đình, giáo dục bình đẳng giới được nâng lên đáng kể. Tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có chuyển biến tích cực, các vụ việc khi được phát hiện đều được tổ chức hòa giải tại cộng đồng dân cư và đều ổn định sau khi được góp ý.
Bốn năm, toàn tỉnh đã hòa giải được 1.042 vụ xích mích, mâu thuẫn trong gia đình; đặc biệt hòa giải thành công 152 cặp vợ chồng nộp đơn xin ly hôn trở lại đoàn tụ gia đình; tổ chức 303 vụ góp ý phê bình tại cộng đồng dân cư…
Hà Mi