Để triển khai có hiệu quả các nội dung trong Pháp lệnh, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành nhằm tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho công tác dân số-KHHGĐ được triển khai đồng bộ, liên tục. Tăng cường vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với việc vận động nhân dân thực hiện Pháp lệnh Dân số và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước bằng các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với thực tế của địa phương.
Trong quá trình thực hiện, các ngành, đoàn thể và các địa phương đã lồng ghép các nội dung dân số vào các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới, đưa các tiêu chí thực hiện chính sách DS-KHHGĐ vào trong việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của các đơn vị; 100% các huyện, thị xã, thành phố đều có các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về công tác DS-KHHGĐ với mục tiêu nhằm giảm mức sinh, không sinh con thứ 3 trở lên...
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến được xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong việc tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số. Các hoạt động truyền thông về Pháp lệnh Dân số được tiến thành đồng bộ, dưới nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, phát thanh truyền hình, sách, báo, tạp chí, tờ rơi, pa nô, khẩu hiệu, các cuộc thi, các CLB, đưa vào các hoạt động ngoại khóa trong trường học, tuyên truyền vận động trực tiếp... với số lượng, thời lượng và tần suất ngày càng tăng, tạo dư luận thuận lợi cho việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, giúp cho phần lớn cán bộ, nhân dân trong tỉnh nhận thức đúng về vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Việc thi hành các nội dung cơ bản của Pháp lệnh Dân số như điều chỉnh quy mô dân số, các biện pháp KHHGĐ, điều chỉnh cơ cấu dân số, phân bố dân cư, nâng cao chất lượng dân số, quản lý nhà nước về dân số... được tỉnh thực hiện tốt.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp, các ngành đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển các mô hình truyền thông trên cơ sở thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể và đảm bảo tiếp cận phù hợp với từng nhóm đối tượng như xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả như thôn, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình đưa chính sách dân số và hương ước, quy ước làng văn hóa; mô hình truyền thông chuyển đổi hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ; mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; CLB tiền hôn nhân, CLB nam nông dân thực hiện 6 chuẩn mực; mô hình chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ thông qua tuyên truyền và tư vấn cộng đồng, tăng tỷ lệ chấp nhận các BPTT hiện đại có hiệu quả cao nhằm duy trì xu thế giảm sinh bền vững.
Qua đó, góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số. Điều này có thể thấy rõ ở một số chỉ tiêu cơ bản về DS-KHHGĐ trong 10 năm qua: tỷ lệ giảm sinh đều đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ sinh thô giảm từ 15,50%o năm 2003 xuống còn 13,67%o năm 2012; số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm từ 2,4 con năm 2000 xuống còn 1,9 con năm 2008 (toàn tỉnh đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2002), giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 16,2% năm 2000 xuống còn 13,1% năm 2012; tỷ lệ tăng tự nhiên giảm từ 9,18%o năm 2003 xuống 5,61%o năm 2012.
Để thực hiện chỉ tiêu giảm sinh, biện pháp căn bản là thực hiện KHHGĐ. Những năm qua, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở đã được quan tâm đầu tư củng cố và phát triển, cơ sở vật chất và trang thiết bị từng bước được tăng cường, bổ sung, đa dạng hóa các BPTT, có nhiều chính sách khuyến khích cho đối tượng tham gia thực hiện các BPTT hiện đại như trợ cấp tiền, được miễm lao động công ích trong 1 năm kể từ ngày thực hiện triệt sản và được theo dõi, chăm sóc SKSS miễm phí đối với đối tượng sử dụng các BPTT hiện đại.
Hàng năm số lượng cán bộ làm dịch vụ từ tỉnh đến cơ sở được đào tạo mới và đào tạo lại đã góp phần rất lớn vào việc triển khai dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Các lớp đào tạo về kỹ thuật triệt sản nam, nữ, cấy, tiêm thuốc tránh thai cho cán bộ kỹ thuật tuyến tỉnh và huyện.
Đặc biệt quan tâm đến đào tạo mới và đào tạo lại cho cán bộ y tế là người dân tộc thiểu số về các dịch vụ chăm sóc SKSS như kỹ thuật đặt, tháo vòng, hút thai, đỡ đẻ thường, kỹ thuật tiêm thuốc tránh thai, giúp các cặp vợ chồng có cơ hội tiếp cận các dịch vụ CS SKSS/KHHGĐ một cách thuận lợi, an toàn và hiệu quả; 100% thôn, xóm có cán bộ y tế và CTV DS/KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý hậu cần, phân phối phương tiện tránh thai và theo dõi đối tượng sử dụng tại cộng đồng.
Do vậy, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các BPTT hiện đại và số người mới sử dụng các BPTT hiện đại ngày càng tăng qua các năm và tỷ lệ nạo, hút thai giảm. Năm 2003, tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại toàn tỉnh là 70,1%, số người mới sử dụng các BPTT hiện đại là 38.600 người, năm 2012 là 76,04%, số người mới sử dụng các BPTT hiện đại là 48.912 người.
Hiệu quả rõ nét nhất mà tỉnh đạt được sau 10 năm thực hiện PLDS chính là cơ cấu dân số được điều chỉnh, chất lượng dân số được nâng cao. Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả. Từ năm 2004 đến nay, các mô hình, đề án đã được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các đề án như: "Sàng lọc trước sinh, sơ sinh", đề án "Tư vấn, kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân" được triển khai tại 145/145 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; đề án "Tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng được" triển khai tại 6 xã trên địa bàn tỉnh.
Thông qua hoạt động của đề án đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng dân số. Hàng năm có hàng trăm bà mẹ mang thai và hàng nghìn trẻ sơ sinh được thực hiện các kỹ thuật sàng lọc và phát hiện những dị dạng, bệnh tật bẩm sinh để có những can thiệp sớm, góp phần hạn chế những bệnh tật bẩm sinh đối với trẻ em; nhận thức của thanh niên, vị thành niên về vấn đề sức khỏe sinh sản được nâng lên rõ rệt, nhờ vậy tỷ lệ thanh niên nạo phá thai giảm, đặc biệt số nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được tư vấn và kiểm tra sức khỏe như HIV, viêm gan B ngày càng nhiều...
Bước đầu nhận thức xã hội về vấn đề chất lượng dân số đã được nâng lên. Đến tháng 12/2012, toàn tỉnh đã có 24.600 phụ nữ mang thai tham gia SLTS, trong đó có 92 trường hợp nghi ngờ, 12 trường hợp đình chỉ chấm dứt thai kỳ; số trẻ được SLSS là 15.235 cháu, trong đó nghi ngờ mắc các bệnh thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh là 120 trường hợp.
Bài, ảnh: Hồng Vân