Để thực hiện hiệu quả các nội dung của Pháp lệnh Dân số, hàng năm trong nghị quyết của HĐND huyện đều đưa chỉ tiêu giảm sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên.
Huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt các chính sách về Dân số/KHHGĐ, đưa dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ có chất lượng, đáp ứng thuận tiện, đầy đủ, kịp thời, an toàn đến tận người sử dụng.
Tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách Dân số/KHHGĐ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả như thôn, xóm không có người sinh con thứ 3 trở lên; mô hình đưa chính sách dân số và hương ước, quy ước làng văn hóa; mô hình truyền thông chuyển đổi hành vi về chăm sóc SKSS/KHHGĐ; mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên; CLB tiền hôn nhân, CLB nam nông dân thực hiện 6 chuẩn mực; mô hình chiến dịch truyền thông lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ...
Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ thông qua tuyên truyền và tư vấn cộng đồng, tăng tỷ lệ chấp nhận các BPTT hiện đại có hiệu quả cao nhằm duy trì xu thế giảm sinh bền vững.
Năm 2003, dân số trung bình của huyện là 117.113 người, tỷ suất sinh thô 14,84%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 16,1%. Năm 2012, dân số trung bình của huyện là 115.691 người, tỷ suất sinh thô 18,4%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 14,8%.
Để thực hiện chỉ tiêu giảm sinh, biện pháp căn bản là thực hiện KHHGĐ. Những năm qua, hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ từ huyện đến các xã, thị trấn đã được quan tâm đầu tư củng cố và phát triển, cơ sở vật chất và trang thiết bị từng bước được tăng cường, bổ sung.
Đến nay, 100% số xã, thị trấn có Trạm y tế, trong đó 88,8% số xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 100% Trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% thôn, xóm có cán bộ y tế và cộng tác viên Dân số/KHHGĐ.
Hàng năm, cán bộ y tế, dân số được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, bổ sung kiến thức, kỹ năng truyền thông tư vấn và cung cấp các BPTT phi lâm sàng tại cộng đồng, do vậy, số người sử dụng các BPTT tăng nhanh. Năm 2003, tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại toàn huyện là 73,6%, năm 2012 là 76,9%.
Hiệu quả rõ nét nhất mà huyện đạt được sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số là cơ cấu dân số được điều chỉnh, chất lượng dân số được nâng cao.
Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số của huyện được triển khai có hiệu quả ở các xã, thị trấn trong huyện nhằm nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần, như: mô hình cung cấp thông tin, dịch vụ SKSS/SKTD cho vị thành niên và thanh niên trong và ngoài nhà trường; mô hình khám và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; đề án sàng lọc trước sinh/sàng lọc sơ sinh; mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng...
Toàn huyện đã tổ chức 35 hội nghị cung cấp thông tin, kiến thức về Dân số/SKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng giống nòi cho 1.450 người tham dự là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tại các xã, thị trấn trong huyện.
Phối hợp với các ngành, ban dân số các xã, thị trấn tổ chức 225 hội nghị chuyên đề, các cuộc tư vấn nhóm cho 13.650 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; 46 hội nghị chuyên đề cho trên 4.000 vị thành niên và thanh niên trong và ngoài nhà trường; 72 hội nghị chuyên đề cho phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên; siêu âm, sàng lọc trước sinh cho 21.100 phụ nữ mang thai, 1.656 trẻ sơ sinh được lấy máu sàng lọc; tổ chức khám và kiểm tra sức khỏe cho 1.970 vị thành niên và thanh niên trong nhà trường.
Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn huyện cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Trong Pháp lệnh Dân số có một số nội dung quy định chưa cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau nên một bộ phận nhân dân, trong đó có cả cán bộ, đảng viên hiểu chưa đầy đủ hoặc cố tình hiểu sai tinh thần của Pháp lệnh và vi phạm Pháp lệnh Dân số.
Việc tuyên truyền Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật khác liên quan có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.
Việc kiểm tra, giám sát thi hành Pháp lệnh Dân số chưa thường xuyên để kịp thời điều chỉnh những sai sót trong quá trình thực thi Pháp lệnh.
Nguồn lực đầu tư cho công tác Dân số/KHHGĐ các cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là kinh phí cho hoạt động truyền thông.
Các chính sách đãi ngộ cho cán bộ làm công tác dân số cơ sở còn nhiều bất cập, nhất là đội ngũ cộng tác viên, do đó đã ảnh hưởng tới tư tưởng và chất lượng công việc của đội ngũ cộng tác viên dân số...
Hồng Vân