Ngay sau khi Luật PCCC có hiệu lực, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11/2001/CT-UB ngày 28-9-2001 chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc.
Công tác tuyên truyền Luật PCCC được các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC để nhân dân nâng cao ý thức chấp hành.
Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 135 đội PCCC chuyên nghiệp với gần 2000 đội viên, 349 đội PCCC nhân dân với trên 10 nghìn người tham gia. Tại 18 xã trọng điểm có rừng đều thành lập các tổ, đội nhân dân bảo vệ rừng và PCCC rừng với biên chế mỗi đội từ 10 đến 12 người, được trang bị nhiều dụng cụ phương tiện chữa cháy như: dao phát, câu liêm, bình CO2, máy bơm chữa cháy, ô tô bán tải phục vụ công tác chữa cháy rừng. Các đội PCCC cơ sở đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác phòng ngừa, xử lý dập tắt ngay từ ban đầu các vụ cháy xảy ra, không để phát sinh thành các đám cháy lớn, góp phần giảm thiểu số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra. Lực lượng Công an đã mở 402 lớp huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng trên địa bàn với trên 13.000 lượt người tham gia. Lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công tác PCCC, thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trong công tác PCCC.
Trong những năm qua, UBND các cấp, các cơ quan quản lý về xây dựng của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCCC. Trong 10 năm qua, đã có 225 dự án, công trình, hạng mục công trình được thẩm duyệt về PCCC.
Để đảm bảo cho chữa cháy thuận tiện, kịp thời, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo việc đảm bảo các điều kiện phục vụ cho công tác chữa cháy tại các khu đô thị, khu công nghiệp như dỡ bỏ các trụ bê tông, barie chắn đường tại các khu dân cư, thực hiện dự án xây dựng, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng các tuyến đường liên huyện, đường vành đai đô thị, phê duyệt các dự án cải tạo, cấp nước sinh hoạt kết hợp cấp nước chữa cháy. Triển khai lắp đặt hệ thống trụ nước chữa cháy trong dự án cấp nước đô thị tại thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp, huyện Nho Quan, huyện Kim Sơn... Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cũng được Bộ Công an, Công an tỉnh trang bị thêm xe chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc đồng bộ, đảm bảo công tác thông tin kịp thời, nhanh chóng, chính xác các vụ cháy xảy ra và phục vụ công tác điều hành, chỉ huy chữa cháy.
UBND tỉnh cũng đã ban hành 15 Quyết định thành lập 15 Đoàn kiểm tra liên ngành, chỉ đạo tổ chức kiểm tra các cơ sở. Các lực lượng chức năng của tỉnh cũng đã tổ chức kiểm tra trên 11.000 lượt tại các cơ sở trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ. Qua công tác kiểm tra an toàn PCCC, đã phát hiện và hướng dẫn khắc phục 56.000 thiếu sót, sơ hở có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy, nổ; ban hành 33 văn bản kiến nghị các cơ sở có giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, lập 119 biên bản vi phạm quy định về PCCC, đã cảnh cáo 88 trường hợp, phạt tiền 31 trường hợp.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh hướng dẫn các cơ sở lập mới và phê duyệt 148 phương án chữa cháy tại chỗ, chủ động xây dựng 30 phương án xử lý tình huống xảy ra cháy lớn, 20 phương án phòng, chống khủng bố, bạo loạn. Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch tập luyện nâng cao trình độ, nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Mỗi năm tổ chức tập luyện trên 500 giờ. Tổ chức tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng phương tiện. Đã phối hợp lực lượng PCCC cơ sở tổ chức thực tập 78 phương án chữa cháy với sự tham gia của nhiều lực lượng đạt kết quả tốt. Tiếp nhận 235 thông tin báo cháy, huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ và phương tiện lên đường làm nhiệm vụ, trực tiếp chữa cháy 100 vụ. Công tác chữa cháy được tổ chức khoa học và hiệu quả. Việc chỉ huy, chỉ đạo chữa cháy được thực hiện đúng quy định của Luật PCCC...
Không để cháy nổ xảy ra là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC mà là của toàn xã hội. Do vậy, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cấp, các ngành, của từng cơ quan, doanh nghiệp và ý thức chấp hành Luật PCCC của mọi người dân. Nhận thức đầy đủ về hiểm họa của giặc lửa, có ý thức tự phòng thì hiểm họa về cháy nổ mới được đẩy lùi, góp phần thúc đẩy KT- XH của địa phương phát triển.
Đại tá: Phạm Xuân Thảo
(Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh)