Ngược lại dòng lịch sử của chợ tạm này, chúng tôi được biết: Ban đầu, chỉ là vài ba hàng quán bán vài mớ rau, thanh đậu... phục vụ nhu cầu "ngại" đi chợ của các bà nội trợ. Nhưng chỉ một thời gian sau, tại khu chợ này người dân bày bán đầy đủ các mặt hàng phục vụ đời sống dân sinh nên khu chợ này có tên chợ khu tập thể nhà 5 tầng (tập thể Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình). Những người bán hàng thoải mái đóng cọc, giăng dây, căng lều bạt, ô dù để bán hàng đủ cả sáng, trưa, chiều, tối... Bởi hình thành tự phát, không phải mất tiền thuê chỗ nên giá cả hàng hóa cũng rẻ hơn so với những người phải mua chỗ ngồi trong chợ chính thống. Ngoài ra, sự thuận tiện, hàng hóa tại chợ tạm chủ yếu là rau, củ, quả, thịt, cá... - những lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày. Nhu cầu tiêu dùng cao là điều kiện để chợ tạm này tồn tại… Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Quang Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cho biết: Phường Thanh Bình hiện có 18 tổ dân phố với 2.543 hộ, gần 11 nghìn nhân khẩu. Đối với khu chợ tạm này, chỉ dùng biện pháp hành chính để dẹp là chưa đủ. Việc làm này cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở. Thành phố giao cho Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Kinh tế, tài chính phối hợp với UBND phường Thanh Bình thực hiện khảo sát chân núi Cánh Diều hiện trạng có phương án đầu tư dự án xây dựng di chuyển chợ khu nhà 5 tầng về đây là phù hợp và cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường Nguyễn Công Trứ và đảm bảo vệ sinh môi trường ở các tổ dân phố trong địa bàn.
Được biết, trước đó phường Thanh Bình có Kế hoạch số 15 về thực hiện tháo dỡ mái che, mái vẩy, mái tôn, hàng rào của nhà dân vi phạm Luật Giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn toàn phường. Theo đó, phường tính toán thực hiện từng bước, có lộ trình. Thứ nhất là việc lập tờ trình lên UBND thành phố Ninh Bình, xin được thực hiện việc bố trí di chuyển chợ khu nhà 5 tầng đang ảnh hưởng đến các khu phố Ngọc Sơn, Ngọc Mỹ và Ngọc Xuân. Tiếp đến là thực hiện việc tháo dỡ mái, lán, quán… ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông và trật tự đô thị ở tất cả các khu phố, tuyến phố. Các bước triển khai chặt chẽ, đảm bảo dân chủ, công bằng. Sau khi họp bàn, UBND phường lấy 1 tổ dân phố làm điểm, qua đó rút kinh nghiệm, kiểm điểm, biểu dương, nhân ra rộng. Sau đó, phường ra quân triển khai làm ở 8 phố phía Đông đường sắt và thực hiện tiếp 10 phố phía Tây đường sắt.
Đối với chợ tạm khu nhà 5 tầng được phát sinh, hình thành từng năm 1993 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, an ninh trật tự ở các khu phố. Cũng vì hình thành tự phát, nên khu chợ tạm này ảnh hưởng đến các gia đình cán bộ, công nhân Nhà máy điện, Công ty xếp dỡ đường thủy nội địa… Nhiều công nhân đi làm đêm, hoặc đi trực ca về muốn yên giấc ngủ cũng khổ vì vừa chợp mắt thì chợ đã họp, ồn ào, mất trật tự và vệ sinh môi trường. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề này được phản ánh thường xuyên trong các cuộc họp của phố, phường Thanh Bình. Phường đã có sự chỉ đạo sâu sát để các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội chú trọng tuyên truyền, giáo dục về ý thức xây dựng văn minh thương mại. Bỏ thói quen "đi chợ tạm" là việc làm thiết thực...
Anh Trần Minh Tuấn, một tiểu thương buôn bán hơn 10 năm ở khu chợ tạm cho biết: Những người kinh doanh phần nhiều là người nghèo, không có việc làm. Việc xây dựng chợ cho những hộ kinh doanh này có chỗ buôn bán ổn định vừa dẹp được nạn chợ cóc, chợ tạm, vừa hợp lòng dân. Từ đầu năm 2014, gia đình tôi di dời việc buôn bán vào khu chợ mới, không phải lo mưa gió cũng như khi đội trật tự đô thị đi kiểm tra mỗi buổi bán hàng. Gia đình tôi nhận thầu 4m2 mặt bằng và thống nhất cùng các hộ chung nhau đầu tư xây dựng lán mái tôn theo bản vẽ tổng thể của khu chợ nên khá cao ráo, sạch sẽ. Còn chị Nguyễn Thanh Nga, bán hàng quần áo chia sẻ: Trước đây bán hàng ở khu chợ tạm tôi đã có vài lần phải nộp phạt vì vi phạm hành lang an toàn giao thông. Nay, với mặt bằng 9 m2, sạp quần áo của tôi bây giờ chẳng sợ lấm bẩn cũng không lo sợ mưa gió ảnh hưởng đến hàng hóa như trước đây. Dù đã di dời vào đây gần 1 năm nay, nhưng những khách hàng truyền thống vẫn đến mua hàng. Theo Giám đốc Công ty TNHH MTV Yên Khánh An, hiện khu chợ mới ngay chân núi Cánh Diều có 341 hộ đăng ký nhận mặt bằng kinh doanh. Nếu kể các hộ không thường xuyên, có khi lên đến gần 500 hộ.
Thời gian qua, phường Thanh Bình đã tập trung tiến hành giải tỏa một số tụ điểm buôn bán, kinh doanh dưới lòng đường, trên vỉa hè tại các tuyến giao lộ, ảnh hưởng đến mỹ quan và văn minh đô thị với tinh thần kiên quyết và chống tái phạm. Còn những tụ điểm trong ngõ, trong sân khu tập thể, có quy mô nhỏ sẽ yêu cầu UBND phường đã bố trí sắp xếp cho gọn gàng, bảo đảm vệ sinh, an toàn giao thông...
Bài, ảnh: Nguyễn Minh