Chị Lê Thị Lệ Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Lâm đến với buổi hiến máu tình nguyện lần này là lần thứ 4, bởi vậy chị không còn cảm giác hồi hộp nữa. Chị Hằng cho biết, lần đầu tiên chị thực hiện hiến máu tình nguyện cách đây 5 năm, khi ấy, chị cũng đã là cán bộ hội phụ nữ xã. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, được tiếp cận với các kênh thông tin tuyên truyền nên chị Hằng hiểu hết ý nghĩa của việc cho đi những giọt máu. Thế là chị giấu gia đình, một mình đi đăng ký tham gia hiến máu. "Thời ấy, nhận thức về hiến máu tình nguyện của nhiều người dân quê tôi còn hạn chế, ngay cả chồng tôi cũng vậy. Thời điểm ấy tôi mới có một đứa con trai và vợ chồng đang lên kế hoạch để sinh bé tiếp theo. Vì vậy, chồng tôi không muốn tôi đi hiến máu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi. Tuy nhiên, tôi kiên nhẫn phân tích cho chồng tôi hiểu ý nghĩa của việc hiến máu, cuối cùng chồng tôi cũng đồng ý"- chị Hằng nhớ lại. Sau lần hiến máu đầu tiên, chị Hằng thấy cơ thể mình có phần khỏe mạnh hơn, vậy là chị không còn chút dè dặt nào nữa, bất cứ khi nào địa phương phát động phong trào là chị lại xung kích, tình nguyện đi đầu trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Chị Hằng cho biết thêm, hiểu rõ hiến máu cứu người là việc làm vô cùng cần thiết, vì vậy nếu huy động được đông đảo hội viên cùng tham gia phong trào thì thu được nhiều kết quả, nhiều người sẽ có cơ hội được cứu sống nhờ nguồn máu kịp thời. Với suy nghĩ đó, trong vai trò là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, chị Hằng tích cực vận động chị em trong Hội phụ nữ cùng tham gia việc làm cao cả là hiến máu tình nguyện. Ban đầu, việc vận động chị em gặp nhiều khó khăn vì đa số các chị em phụ nữ còn trẻ thì đi làm công nhân ở Công ty giày da nên khó khăn trong tiếp cận để vận động. Còn đối với những hội viên làm nông nghiệp, do phải làm việc nhà nông nặng nhọc nên chị em lo ngại việc hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khó khăn nhiều, song các cán bộ Hội Phụ nữ xã không nản, các chị tích cực sưu tầm những tài liệu tuyên truyền các nội dung liên quan đến hiến máu tình nguyện như: khái niệm về máu và hiến máu; những đối tượng cho và nhận máu, lợi ích khi hiến máu và vai trò, ý nghĩa của việc hiến máu tình nguyện… để trao đổi trong các buổi sinh hoạt định kỳ. Đồng thời giải đáp các thắc mắc, băn khoăn mà chị em còn gặp phải. "Muốn giải đáp đúng, thấu đáo thì đòi hỏi bản thân người cán bộ Hội phải có đủ kiến thức, kỹ năng truyền đạt. Vậy là chúng tôi tham khảo thông tin trên mạng, theo dõi các diễn đàn để trau dồi kỹ năng cho bản thân mình. Những buổi sinh hoạt cũng hấp dẫn hơn, thu hút chị em tham gia hưởng ứng"- chị Lê Thị Lệ Hằng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Yên Lâm chia sẻ.
Không chỉ tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt, các cán bộ hội còn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đến tận nhà hội viên tuyên truyền cho cả gia đình hội viên. Sự kiên trì ấy đã mang lại hiệu quả rõ nét. Nhận thức của nhiều chị em đã thay đổi. Trong đợt hiến máu vừa qua, riêng Hội Phụ nữ xã Yên Lâm có 9 chị em đi tham gia hiến máu, trong đó hầu hết chị em đều đi hiến máu lần đầu. Chị Nguyễn Thị Yêm (35 tuổi). Vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt hiền lành nhưng thoáng chút lo âu, căng thẳng khi các bác sĩ bắt đầu tiến hành kiểm tra sức khỏe. Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, chị Yêm kể: Đây là lần đầu tiên tôi đi hiến máu. Thực ra, từ suốt tối qua tôi đã hồi hộp, khó ngủ. Tôi làm nông nghiệp, công việc nhà nông bận rộn lại phải "xoay" như chong chóng để chăm sóc các con nên thực sự tôi chưa bao giờ nghĩ đến có ngày đi hiến máu. Thế nhưng được các chị trong Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền, vận động nên tôi đã hiểu về ý nghĩa của việc hiến máu và hiểu rõ rằng hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Trước khi diễn ra buổi hiến máu một tuần, các thành viên trong gia đình tôi đều tạo điều kiện cho tôi nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe để việc hiến máu được thành công. Hôm nay, khi được trực tiếp cho đi giọt máu hồng, cảm xúc của tôi vô cùng hạnh phúc. Vậy là tôi có thể đóng góp giọt máu hồng để chung tay cứu những người thiếu máu.
Nguyễn Hùng