Gia đình bà Trịnh Thị Thoa, thôn Đông Thắng 2 là hộ nghèo từ nhiều năm nay. Bản thân bà bị bệnh u máu, lại phải gồng gánh nuôi 3 người con học đại học. Gia đình bà cấy vài sào ruộng nhưng chỉ được 1 vụ ăn chắc. Sức khỏe yếu lại cao tuổi nên bà luôn mong mỏi có việc làm thêm lúc nông nhàn để góp phần cải thiện kinh tế gia đình, có thêm điều kiện cho con cái ăn học. Trước, cũng như nhiều người dân địa phương, bà Thoa làm nghề đan đó. Nhưng những năm gần đây, sản phẩm này tiêu thụ chậm do nhu cầu giảm, nên bà Thoa không có việc gì làm thêm lúc nông nhàn.
Niềm vui đã đến với bà Thoa và nhiều phụ nữ trong xã khi năm 2010 triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn", xã đã tiếp nhận doanh nghiệp chẻ tăm tre hương về truyền nghề và tạo việc làm cho bà con. Bà Trần Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Gia Lạc nhớ lại: Khi được Hội LHPN tỉnh triển khai lớp dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, nhân dân Gia Lạc rất phấn khởi và xác định đây là cơ hội lớn cho lao động địa phương. Xã quyết tâm làm thật nghiêm túc, hiệu quả để tạo nên bước đột phá về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Xã đã xây dựng kế hoạch dạy nghề đảm bảo đúng theo quy định, hướng dẫn.
Công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi trên hệ thống đài truyền thanh, tại các hội nghị ở cơ sở. Những văn bản hướng dẫn, đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được cán bộ xã truyền tải tới tận người dân. Qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề học nghề, giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Mặt khác, việc dạy nghề cho lao động được thực hiện theo hướng linh hoạt về thời gian, địa điểm, đa dạng về phương thức tổ chức và thuận lợi về quy trình thủ tục để người lao động có thể tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề.
Ban tổ chức lớp học tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc về số lượng học viên tham gia. Số giờ học, buổi học, nội dung truyền đạt theo chương trình đã chuẩn bị, tổ chức chấm công cho từng học viên theo đúng nội quy. Trong quá trình đào tạo, học viên được thực hành ngay sau khi được truyền đạt lý thuyết. Nhờ các biện pháp tổng hợp đó, học viên nắm vững hơn về kiến thức, quy trình, các bước trong thực hành, đảm bảo khi đi vào thực tế nhiều mô hình đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian làm việc có hiệu quả, đến nay, những lao động ở Gia Lạc không còn việc làm. Bà Trịnh Thị Thoa cho biết: Nghề chẻ tăm hương có mức thu nhập không cao, làm chăm thì cũng chỉ có thu nhập 600.000-800.000đồng/tháng. Tuy nhiên, khoản tiền này góp phần giúp chúng tôi cải thiện cuộc sống, đây lại là nghề thủ công, làm tranh thủ lúc nông nhàn nên bà con ai cũng phấn khởi. Người biết nghề chỉ cho người chưa biết. Cả xóm, rồi cả làng ai cũng làm nghề. Nhưng hơn 1 năm trở lại đây, chúng tôi không duy trì được nghề nữa vì doanh nghiệp không cấp đủ nguyên liệu và cũng không thu mua sản phẩm. Hiện doanh nghiệp này vẫn còn nợ tiền của người lao động với tổng số tiền gần 20 triệu đồng. Người bị nợ ít thì vài trăm nghìn đồng, người nhiều lên tới cả triệu đồng. Tuy không phải là số tiền quá lớn, song đã ảnh hưởng đến niềm tin của người lao động đối với chính sách dạy nghề.
Ông Đinh Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Gia Lạc cho biết, Gia Lạc là một xã nghèo của huyện Gia Viễn. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 6%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ chiếm trên 60%. Không thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nên vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là phụ nữ luôn được xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp bà con xóa đói, giảm nghèo.
Hiện, trên địa bàn xã có vài gia đình mở xưởng may công nghiệp với tổng số máy may trên 50 chiếc, góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Tuy nhiên, do quy mô các xưởng may còn nhỏ nên số phụ nữ có nhu cầu được giải quyết việc làm còn ít. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa nhằm đưa được nghề phù hợp về với bà con địa phương. Chúng tôi cũng mong các doanh nghiệp may mặc về đặt xưởng may tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.
Bài, ảnh: Đào Hằng