Vì vậy, nhiều gia đình mua xe máy cho con em mình đi lại mà không biết quy định về tuổi của người điều khiển xe máy. Số lượng xe máy loại dưới 50cc đã tăng đột biến và chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với xe máy điện, xe đạp điện ở các trường THPT. Không chỉ các em học sinh THPT mà ngay cả các em học sinh THCS cũng được bố mẹ mua sắm xe máy để đi học.
Nhiều gia đình còn giao cả xe máy có phân khối lớn hơn 50cc cho con em mình đi học. Mặc dù, các trường học đều có quy định không cho học sinh đi xe máy có phân khối lớn hơn 50cc đến trường và có quy định không được để mô tô, xe máy trong nhà xe của trường nhưng các em vẫn đi học bằng xe máy và gửi xe ở các hàng quán ngoài cổng trường.
Tình trạng vi phạm an toàn giao thông của học sinh là rất đáng lo ngại. Học sinh đi xe máy, thậm chí là xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, đi hàng ba - hàng năm, phóng nhanh, vượt ẩu, tụ tập dừng xe trên lòng đường... là những hình ảnh thường thấy tại một số khu vực cổng trường học. Cùng với đó là số lượng các vụ tai nạn giao thông, va chạm giao thông liên quan đến học sinh khi điều khiển xe máy cũng tăng hơn nhiều so với những năm trước.
Điều 60 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về độ tuổi lái xe như sau: Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi…
Theo Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP: Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô hoặc điều khiển xe ôtô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ôtô. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển xe môtô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe môtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
Cũng theo quy định hiện hành, việc học sinh sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, tức là chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện giao thông, là hành vi vi phạm pháp luật, bản thân học sinh đó sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ.
Ngoài ra, cha mẹ hoặc chủ phương tiện giao xe cho con mình điều khiển xe gắn máy, mô tô khi chưa có đủ điều kiện (về độ tuổi, chưa có giấy phép lái xe) thì cũng bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Theo điểm đ Khoản 4 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).
Ngoài ra, trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, mô tô gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì cha, mẹ hoặc chủ phương tiện còn có thể bị truy tố về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017.
Tại khoản đ, Điều 4, Chương II Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT nêu rõ, học sinh THCS và THPT vi phạm an toàn giao thông sẽ bị xếp hạnh kiểm yếu. Học sinh vi phạm Luật Giao thông là một trong những vấn đề quan tâm của toàn xã hội, bởi mức độ gia tăng nguy cơ tai nạn và nhiều hệ lụy sau đó.
Để ngăn chặn tình trạng này, rất cần sự kiên quyết của phụ huynh, sự phối hợp trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường với lực lượng chức năng. Phụ huynh cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua xe, giao xe cho con đi học cần phải tuân thủ pháp luật về giao thông.
Các bậc phụ huynh không nên chủ quan, tuyệt đối không giao xe cho con em mình khi chưa đủ tuổi lái xe theo luật định. Có như vậy nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm an toàn giao thông, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, xây dựng ý thức tham gia giao thông một cách có trách nhiệm cho các em học sinh.
Trần Dũng