Đồng chí Đinh Văn Tác, Chủ tịch ủy ban MTTQ xã Phú Lộc cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, trong đó vấn đề cơ bản và lâu dài là phải xây dựng GĐVH ấm no hạnh phúc, bởi vì hạt nhân của xã hội là gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xác định rõ vai trò, vị trí của gia đình đối với con người và sự phát triển nông thôn của xã, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 chỉ rõ: Tiếp tục đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ xã đến thôn, xóm, bảo đảm tính thiết thực và bền vững. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện Nho Quan về chương trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phú Lộc xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong nhiều năm và hoàn thành được 19 tiêu chí nông thôn mới sẽ tạo động lực cho xã phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, bộ mặt nông thôn sẽ thay đổi tiến bộ rõ nét, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện đáng kể. Đảng ủy xã đã ra các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới, các Ban giám sát cộng đồng ở các thôn. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ xã đã tích cực, chủ động tham mưu với Đảng ủy, UBND xã trong việc hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa và tiêu chí hộ nghèo. MTTQ xã phối hợp cùng chính quyền, các tổ chức thành viên làm tốt công tác tuyên truyền và phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới". Đặc biệt, Ban Công tác mặt trận ở các khu dân cư đã bám sát địa bàn thôn, xóm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tiêu chuẩn xây dựng GĐVH, vận động để người dân hiểu rõ hơn về ý nghĩa của phong trào xây dựng GĐVH đối với xã hội. Ngoài việc động viên các gia đình phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu thành đạt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Ban công tác mặt trận ở các khu dân cư còn đề cao việc xây dựng gia đình truyền thống, đoàn kết, biết yêu thương, đùm bọc, chia sẻ khó khăn, đồng thời có những cống hiến, đóng góp cho xã hội…
Phong trào xây dựng GĐVH được triển khai gắn với phong trào "Chung sức xây dựng nông thôn mới" bao gồm các nội dung thi đua: sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền", "Nuôi con khỏe, dạy con ngoan", "Gia đình, dòng họ hiếu học"... Trong 3 năm (2011-2014), thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhân dân Phú Lộc đã tự nguyện hiến trên 10 ha đất để làm giao thông thủy lợi nội đồng và hiến 5.200 m2, phá bỏ trên 2.000 m bờ tường các loại và đóng góp trên 1.000 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi khác. Cùng với phong trào hiến đất, làm đường, MTTQ xã còn tích cực vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí về giảm tỷ lệ hộ nghèo như: hỗ trợ người nghèo khám, chữa bệnh, vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên xây dựng đời sống mới. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,83% (theo tiêu chí cũ), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/năm.
Để nâng cao chất lượng đời sống người dân, MTTQ xã vận động nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường. Hàng năm, hướng dẫn các khu dân cư tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các gia đình thường xuyên nhắc nhở các thành viên chăm lo xây dựng gia đình hòa thuận; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống kỷ cương, giao tiếp ứng xử lễ phép, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước của địa phương. Do đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được đề cao phát huy, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có chuyển biến tích cực. Việc phát động đăng ký và tổ chức bình xét danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Số lượng và chất lượng gia đình văn hóa ngày càng được nâng lên. Đến nay, toàn xã có trên 85% đạt gia đình văn hóa, 100% khu dân cư được công nhận đạt chuẩn văn hóa. 100% đường giao thông thôn, xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa, bê tông hóa, thuận lợi cho sản xuất và sinh hoạt. 15/15 thôn đã có nhà văn hóa đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa, học tập cộng đồng của nhân dân.
Đức Nghĩa