Để phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được thực hiện hiệu quả, thiết thực, năm 2012, Ban chỉ đạo phong trào được thành lập gồm 11 đồng chí và hàng năm được kiện toàn đủ số lượng, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, trưởng các ngành, đoàn thể làm ủy viên. Hàng năm, BCĐ đều họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách khu vực thôn, xóm để tập trung hướng dẫn, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; qua đó đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, UBND xã đã chỉ đạo Ban văn hóa thông tin xã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua Đài truyền thanh 3 cấp; qua các cuộc họp thôn, xóm, xã; các buổi sinh hoạt của các đoàn thể… tuyên truyền về các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước như ngày thành lập Đảng 3-2, đón Tết cổ truyền dân tộc, tuyên truyền về các văn bản pháp luật như Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật di sản văn hóa, Luật TDTT và hiện nay đang tập trung tuyên truyền về Luật sửa đổi đất đai, lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992… Ngoài ra còn tập trung tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị của địa phương như công tác sản xuất, ATGT, phòng chống các tai tệ nạn xã hội… Các công việc triển khai đều được bám vào 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo Chỉ thị 27/CT-TƯ của Bộ Chính trị được các hộ gia đình, đặc biệt là cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành. Tính từ năm 2012 đến nay, toàn xã có gần 50 đám cưới và trên 30 đám tang. Các đám cưới đều được tổ chức theo đúng quy định, không đãi cỗ linh đình nhiều ngày, đảm bảo văn minh, vui tươi và tiết kiệm. Các đám tang không tổ chức các hủ tục lạc hậu, nghi thức đều do Ban lễ tang đứng ra tổ chức; và việc tổ chức phúng viếng dựa trên tinh thần tình cảm, chia buồn với gia đình, tri ân với người quá cố…
Lễ hội truyền thống được giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc. Trên địa bàn xã hàng năm có thôn Đông Hội tổ chức lễ hội truyền thống vào này 10-2 âm lịch. Lễ hội được tổ chức đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh, thu hút nhiều người tham gia; không xảy ra tình trạng nhảy đồng bóng, bói toán, mê tín dị đoan trong lễ hội. Qua việc tổ chức lễ hội làng truyền thống hàng năm đã khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, động viên mọi người dân trong thôn, trong xã thêm yêu quê hương, đất nước, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Xã có 2 di tích lịch sử văn hóa được Nhà nước công nhận là Đền Đông Hội và Nhà thờ họ Đào thôn Đông Trang. Hàng năm xã đều kiện toàn Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa của xã và các tiểu ban, xây dựng kế hoach hoạt động cụ thể, đảm bảo hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước. Các thôn, xóm có Đình, đền, chùa, nhà thờ xứ, nhà thờ họ… là những nơi thờ tự linh thiêng đều được tôn trọng hoạt động theo đúng tín ngưỡng, tôn giáo.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT và thông tin tuyên truyền được Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện hoạt động. Từ đó các thôn, xóm tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn chặt với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó tạo điều kiện cho những người có năng khiếu được tập hợp tham gia vào các đội tuyển văn hóa, văn nghệ cảu làng, của xã. Trong năm 2012, xã đã thành lập 3 CLB văn nghệ, là CLB văn nghệ "Làng Đông", CLB "Văn thể" thôn Bộ Đầu và CLB văn nghệ "Làng Xuân". Các CLB được Ban chủ nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức hoạt động cụ thể hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Tại Hội thi Dân vận khéo trong tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới của huyện Hoa Lư vừa qua, các thí sinh của CLB văn nghệ Làng Đông tham gia đã dành giải nhất toàn hội thi và đội tuyển của xã được chọn đi thi cấp tỉnh đạt giải khuyến khích.
Xã Ninh An là một trong những đơn vị của huyện Hoa Lư tích cực tham dự đầy đủ các hoạt động tại lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư. Hiện các CLB văn nghệ của xã đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho Lễ hội diễn ra vào tháng 3 tới. Các đội, nhóm thể dục dưỡng sinh, cờ tướng, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, múa Rồng đều bố trí thời gian tập luyện hợp lý; hàng năm tổ chức giao lưu 5-7 lần và tham đự dầy đủ các giải do huyện và tỉnh tổ chức. Nhân các ngày lễ lớn, ngày kỷ niệm của đất nước và lễ hội tại địa phương, các hình thức trò chơi dân gian như kéo co, chọi gà, đánh cờ người, cờ tướng… cũng được tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT đã góp phần làm cho diện mạo của địa phương ngày càng có những đổi thay rõ rệt, và quan trọng nhất là đẩy lùi các tai tệ nạn xã hội, các vi phạm an ninh trật tự cũng giảm đến mức thấp nhất. Hiện số người tham gia luyện tập thường xuyên là gần 3 nghìn người, chiếm trên 50%; số gia đình thể thao trong xã có trên 900 gia đình…
Được biết, để phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng đi vào chiều sâu và hoạt động hiệu quả thiết thực, xã Ninh An đã luôn chú trọng đến việc xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế văn hóa song song với tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn xã có 4 thôn, xóm đã xây dựng được nhà văn hóa, 4 thôn đang tiếp tục đầu tư xây dựng, dự kiến cuối năm 2013 và năm 2014 sẽ hoàn thiện. Xã cũng dành gần 10 nghìn m2 đất quy hoạch sân vận động trung tâm xã và tổ chức kẻ vẽ nhiều khẩu hiệu tường, làm mới các tấm panô phục vụ cho công tác tuyên truyền trực quan…
Đến nay, Ninh An có 6 đơn vị làng, cơ quan, trường học văn hóa; trên 1.400 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt 90%; 95% số hộ gia đình sử dụng nước sạch; 10/10 thôn, xóm có tổ thu gom rác thải; 4/10 thôn, xóm không có người nghiện ma túy, nhiều năm nay không phát hiện thêm đối tượng nghiện ma túy mới. Xã đẩy mạnh việc vận động quyên góp và duy trì các quỹ vì người nghèo, vì trẻ thơ, quỹ nạn nhân chất độc da cam, quỹ đền ơn đáp nghĩa với số tiền gần 20 triệu đồng…
Mỹ Hạnh