Trong tổ chức thực hiện, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về Nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và lao động giai đoạn 2013-2018. Trên cơ sở 3 phong trào thi đua hành động cách mạng của tổ chức công đoàn và căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thành các phong trào thi đua với mục tiêu, nội dung cụ thể.
Với mục tiêu nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và công tác, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, thi đua lao động giỏi, công tác tốt, thực hành tiết kiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, xây dựng các công trình, sản phẩm, các đề tài khoa học có giá trị kinh tế cao, giá thành hạ, phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã phát triển mạnh. Kết quả, hàng năm có từ 60-65% tập thể, 70-75% cá nhân đạt danh hiệu lao động tiên tiến và chiến sỹ thi đua các cấp. Trong 5 năm qua, có 257 công trình, sản phẩm được đăng ký thực hiện, trong đó có 99 công trình, sản phẩm cấp tỉnh có giá trị KT-XH cao. Đồng thời cũng có trên 18 nghìn sáng kiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được ứng dụng vào thực tiễn, có giá trị làm lợi và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, trong đó 210 sáng kiến được công nhận sáng kiến cấp tỉnh như sáng kiến "Cải tiến máy tiện ngang" của đội ngũ cán bộ Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, sáng kiến ứng dụng công nghệ điều khiển mới và giải pháp tiết kiệm năng lượng trong điều khiển lò hơi đến từ Công ty Nhiệt điện Ninh Bình…
Cũng trong phong trào này, khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến là những doanh nghiệp mạnh trên nhiều lĩnh vực như xây dựng, giày da, may mặc, sản xuất công nghiệp nặng, du lịch đã giải quyết việc làm cho đông đảo lao động. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.300 doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, sử dụng khoảng 119 nghìn lao động, những năm qua cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tăng doanh thu, lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp đã chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn phát động và duy trì có hiệu quả phong trào thi đua trong doanh nghiệp. Tập trung vào các nội dung "Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ". Nhiều nơi đã cụ thể hóa thành những khẩu hiệu để công nhân lao động dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như "Chất lượng và dịch vụ là yếu tố quyết định tạo nên thương hiệu"; "Lao động sáng tạo, năng suất cao hơn, chất lượng cao hơn, thu nhập cao hơn"…
Bên cạnh đó, phong trào "Thi đua vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" tiếp tục được duy trì, phát triển, được nhiều ngành, địa phương trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Trong đó, CNVCLĐ các ngành nông nghiệp, giao thông, xây dựng, y tế, giáo dục và các huyện Yên Khánh, Nho Quan, Yên Mô,… đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phong trào thi đua, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Nội dung thi đua hướng vào việc nghiên cứu đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình "Liên kết 4 nhà" về hợp đồng tiêu thụ nông-lâm-thủy sản cho bà con nông dân, xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông thủy lợi, điện, nước, trường học, trạm xá, quy hoạch các làng nghề… Tham gia xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đào tạo nghề nâng cao kiến thức cho nông dân. Qua đó giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi cơ cấu mùa vụ, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Thông qua phong trào thi đua có nhiều đề tài, sáng kiến, kinh nghiệm của CNVCLĐ được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh công nhận. Tiêu biểu là sáng kiến "Dồn điền, đổi thửa gắn với quy hoạch lại ruộng nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh" của nhóm tác giả huyện Yên Khánh…
ở các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, phong trào "Thi đua học tập nâng cao trình độ, học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để hội nhập và phát triển" được tổ chức rộng rãi. Hàng năm, các cấp công đoàn phối hợp với chuyên môn đồng cấp xây dựng kế hoạch điều tra cơ bản về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, nhu cầu đào tạo, xác định nhiệm vụ, nội dung, hình thức đào tạo để tham mưu, đề xuất với cấp ủy và chuyên môn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức học tập. 5 năm qua đã có 487 đồng chí được cử đi học các lớp sau đại học, hơn 4.600 đồng chí được đi học đại học và cao đẳng…
Ngoài ra, các phong trào thi đua theo chuyên đề và ngành nghề nhân các sự kiện chính trị, các ngày kỷ niệm lớn của địa phương, đất nước, của tổ chức công đoàn cũng được phát động bằng việc tổ chức các đợt cao điểm thi đua gắn với việc thực hiện của từng cá nhân, phù hợp với nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị.
Thông qua việc tổ chức các phong trào thi đua, CNVCLĐ ngày càng khẳng định rõ vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cán bộ đoàn viên công đoàn đã thay đổi một bước về cách nghĩ, cách làm, trình độ tổ chức, chỉ đạo, trình độ hiểu biết về khoa kỹ thuật được nâng lên. Đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn toàn tỉnh ngày càng vững mạnh.
Đào Duy