Nhờ đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo", gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đến nay trên địa bàn huyện Kim Sơn có rất nhiều mô hình "dân vận khéo" phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở huyện Kim Sơn
Mô hình tiêu biểu
Xã Kim Trung là một trong ba xã ven biển của huyện Kim Sơn, với nghề nuôi trồng thủy sản khá phát triển. Tuy nhiên, diện tích đất canh tác nhỏ lẻ, manh mún là nguyên nhân gây khó khăn trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi trồng thủy sản tập trung theo quy mô lớn, dẫn đến hiệu quả kinh tế đem lại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Để giải quyết khó khăn này, trong năm 2019, cấp ủy, chính quyền xã Kim Trung đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình "Dân vận khéo" trong việc dồn điền đổi thửa, liên kết sản xuất, nuôi thủy sản kết hợp với trồng rau màu trên đất gò, đầm. Sau thời gian triển khai, hàng chục héc-ta ao đầm đã được dồn đổi thành những thửa lớn, tạo điều kiện để phong trào nuôi trồng thủy sản tại Kim Trung phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu là mô hình Tổ hợp tác thanh niên thủy sản Kim Trung, đã chuyển đổi nuôi thả thủy sản quảng canh sang nuôi công nghiệp cho giá trị cao; cùng với sự xuất hiện những mô hình trồng rau màu và cây ăn quả trên đất gò vườn, bờ đầm.
Tại thị trấn Bình Minh, những ngôi nhà ngói đỏ, khuôn viên sạch sẽ, kề bên tuyến đường hoa thi nhau khoe sắc được trồng trong những chai, lọ nhựa là điểm nhấn của mô hình "Nhà sạch vườn đẹp" do Hội LHPN huyện Kim Sơn phát động. Chị Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn cho biết: Trong năm 2019, Hội đã triển khai mô hình điểm "Nhà sạch vườn đẹp" tại xã Yên Lộc và thị trấn Bình Minh. Năm 2020, tiếp tục nhân rộng mô hình tại xã Kim Chính, Đồng Hướng và xã Xuân Chính, hướng tới xây dựng mô hình tại tất cả 25 xã, thị trấn toàn huyện. Thông qua việc xây dựng mô hình đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh mô hình "Nhà sạch vườn đẹp", Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn còn tiếp tục triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: Đường hoa phụ nữ; Nói không với rác thải nhựa; Thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật... gắn với phong trào "5 không, 3 sạch" trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Kim Sơn, trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã xây dựng được 161 mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 26 mô hình; văn hóa - xã hội 97 mô hình; an ninh- quốc phòng 20 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 18 mô hình.
Hội viên Phụ nữ thị trấn Bình Minh, Kim Sơn tái chế đồ nhựa làm đẹp khu phố.
Những kinh nghiệm quý
Để phong trào thi đua "Dân vận khéo" đạt hiệu quả và có sức lan tỏa, công tác dân vận được huyện Kim Sơn hướng mạnh về cơ sở, với những việc làm cụ thể và thiết thực. Với phương châm "Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, MTTQ và các đoàn thể làm nòng cốt", phong trào thi đua "Dân vận khéo" được cấp ủy, chính quyền huyện Kim Sơn, MTTQ và các đoàn thể phát động rộng rãi đến các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và các đoàn thể nhân dân, lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tham gia… Đồng thời xác định việc triển khai phong trào "Dân vận khéo" là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng; gắn việc thực hiện phong trào "Dân vận khéo" với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không tách rời nhiệm vụ chính trị và phong trào thi đua của từng tổ chức, đơn vị, địa phương phát động…
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", đồng chí Ngô Văn Tuyến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kim Sơn cho biết: Để phong trào "Dân vận khéo" phát huy hiệu quả cần phải huy động mọi tầng lớp nhân dân, chức sắc, chức việc, người có đạo tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng tham gia làm công tác dân vận. MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội cần có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức hoạt động; quan tâm, chăm lo hơn nhu cầu, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và quần chúng; tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để xây dựng các điển hình "Dân vận khéo" trên các lĩnh vực. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận với phẩm chất, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, thực sự tâm huyết, trách nhiệm với phong trào để mỗi cán bộ làm công tác dân vận thực sự là một điển hình "Dân vận khéo", tác động đến phong trào một cách cụ thể, phù hợp, nhanh, hiệu quả. Lấy mô hình "Dân vận khéo" là trọng tâm trong việc thực hiện lồng ghép với các phong trào và cuộc vận động khác nhằm phát huy vai trò, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào quần chúng, thu hút các tập thể, cá nhân và cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện.
Cùng với đó, công tác dân vận chính quyền phải được quan tâm đặc biệt, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phải thành nền nếp; cải cách thủ tục hành chính phải được đẩy mạnh, quan tâm giải quyết những bức xúc trong nhân dân; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao đạo đức công vụ, phục vụ tốt nhu cầu của công dân và các tổ chức khác. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong phong trào "Dân vận khéo", vận dụng có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; công tác dân vận phải đi vào chiều sâu mới đạt hiệu quả. Sự gương mẫu, nêu gương mọi mặt của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu có vai trò rất lớn trong công tác dân vận.
Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến "Dân vận khéo", tiếp tục đưa phong trào đi vào chiều sâu; đồng thời tiếp tục đăng ký thực hiện những mô hình mới thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.