Theo bác sĩ Phạm Trung Mạnh, Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), tỷ lệ bệnh nhân mắc nhiễm trùng đường ruột (ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy) chiếm từ 20-30% bệnh nhân nhập viện điều trị. Trong 7 tháng đầu năm 2019, Khoa điều trị cho hơn 1,5 nghìn lượt bệnh nhân nội trú, thì có đến gần 500 ca bệnh nhiễm trùng đường ruột. Nhất là vào ban đêm, sau khi đi ăn uống nhậu nhẹt về, nhiều người đã phải nhập viện vì "miệng nôn, trôn tháo". Thời điểm mùa hè, nhất là những ngày nắng nóng, oi bức, khá nhiều bệnh nhân nhập viện cho biết, trước đó họ uống bia, nước ngọt, ăn kèm với nem chua hoặc các món ăn dân dã để lên men, tái sống; có gia đình nghĩ thức ăn chín trong tủ lạnh là an toàn nên thường ăn luôn mà không đun nóng, chế biến lại... Như vậy có thể thấy, nguyên nhân chính gây bệnh nhiễm trùng đường ruột là thức ăn chưa được nấu chín, nấu kỹ, có thể bị chua, ôi thiu hoặc nguồn gốc trước đó không đảm bảo về độ an toàn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, thời gian qua, công tác tuyên truyền, kiểm tra được ngành Y tế quan tâm thực hiện tốt, do đó, kiến thức về sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn của các nhóm đối tượng người sản xuất, kinh doanh, người chế biến và người tiêu dùng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, việc "thực hành đúng" quy trình về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Cụ thể như, tại các đám cưới, đám giỗ, bữa ăn tại các gia đình, nhiều người vẫn giữ thói quen đơn giản trong việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, không có biện pháp chế biến, che đậy, bảo quản thực phẩm sau khi đã chế biến…. Còn để thức ăn chín lẫn thức ăn sống trong tủ lạnh; thức ăn chế biến xong không che đậy kỹ càng dễ bị ruồi, nhặng, vi khuẩn xâm nhập; tình trạng ăn sống các loại tiết canh, gỏi cá… từ đó rất dễ xảy ra nguy cơ ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và các sự cố ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng.
Cũng theo đồng chí Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, để nâng cao ý thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về vấn đề ATTP, thời gian qua, nhân Tháng hành động vì ATTP, vào mùa lễ hội, trong các đợt thanh, kiểm tra thường xuyên và đột xuất dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán,… cùng với công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, việc xử lý vi phạm được các Đoàn thanh tra chuyên ngành và liên ngành thực hiện nghiêm túc.
Theo báo cáo của ngành Y tế, từ đầu năm đến nay, kết quả giám sát của các cơ sở y tế, ghi nhận trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 1 nghìn vụ ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, giảm về số vụ và số người so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chưa xảy ra trường hợp nào tử vong, nhưng ngành Y tế khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc sử dụng thực phẩm, cần đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất xứ, được chứng nhận an toàn, để phòng ngừa và không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Cùng với đó không nên chuẩn bị nhiều thức ăn nhanh mà không sử dụng hết, khi kéo dài thời gian để thực phẩm trong môi trường nắng nóng sẽ rất nguy hiểm khi sử dụng. Đối với thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các đơn vị trường học, công ty, doanh nghiệp…, người chế biến thực phẩm nên rút ngắn thời gian chuẩn bị và phục vụ bữa ăn, bảo quản thức ăn kỹ lưỡng, tránh sử dụng các loại thực phẩm lên men như nem chua, dưa chua, thực phẩm không tươi sống, có dấu hiệu ôi thiu, bốc mùi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh chia sẻ thêm: Để bảo đảm an toàn, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa hè, người tiêu dùng cần lựa chọn và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng được cấp giấy chứng nhận thực phẩm an toàn; đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm; trong quá trình chế biến, đảm bảo vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến thực phẩm; sử dụng nguồn nước sạch; bảo quản thực phẩm đảm bảo an toàn; thực hiện "ăn chín, uống sôi"…
Đối với việc bảo quản thực phẩm bằng tủ lạnh, cần chú ý cả hai mặt lợi và hại. Bởi tủ lạnh chỉ có tác dụng làm chậm sự biến chất của thực phẩm, hạn chế sự sinh sôi và phát triển của vi sinh vật do cơ chế giảm nhiệt độ và độ ẩm. Nếu đưa quá nhiều thực phẩm vào tủ lạnh, không khí lạnh không lưu thông được; nhiệt độ ngăn mát, ngăn đá không đảm bảo; thực phẩm không vệ sinh, sơ chế trước khi bảo quản trong tủ lạnh; thực phẩm sống để lẫn thức ăn chín… sẽ làm gia tăng ô nhiễm thực phẩm, làm cho thực phẩm nhanh hỏng, có thể gây ngộ độc.
Như vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt vào mùa hè, người tiêu dùng cần nắm được những kiến thức cơ bản trong bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống, cũng như cách bảo quản thực phẩm. Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống phải có trách nhiệm, ý thức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.
Mỹ Hạnh