Theo số liệu tổng hợp của các ngành chức năng, trong 10 năm qua, trên cả nước đã có 144 vụ tai nạn giao thông đường thủy liên quan đến trẻ em, làm chết 225 người cùng nhiều thiệt hại khác. Trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra như vụ đắm đò ở Cà Tang, Quế Sơn (Quảng Nam) năm 2003 làm chết 18 học sinh; vụ đắm đò tại bến Lôm Chôm (Con Cuông, Nghệ An) năm 2006 làm chết và mất tích 19 học sinh…
Tỉnh Ninh Bình có bờ biển dài hơn 15 km và hệ thống sông ngòi dày đặc, tạo thành mạng lưới giao thông thủy rất thuận tiện cho giao lưu phát triển kinh tế trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, Ninh Bình là 1 trong 15 tỉnh có số trẻ em bị chết đuối do tai nạn giao thông đường thủy cao nhất. Tai nạn đuối nước không những gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội, để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em. Do ý thức của gia đình thiếu quan tâm, nhiều gia đình mải làm ăn cho nên không có thời gian dành cho con, em mình. Thực tế có nhiều vụ đuối nước thương tâm là do sự bất cẩn của người lớn. Tiếp đến là nguyên nhân trẻ em không biết bơi. ở những vùng có nhiều sông, suối, ngòi, việc thiếu những cây cầu bắc qua khiến cho các em học sinh hàng ngày phải đi đò đến trường đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến đuối nước. Nhiều trường hợp các công trình xây dựng hoặc người dân đào hố vôi để xây nhà nhưng không cảnh báo hoặc sau khi kết thúc công trình không san lấp để trẻ em ngã xuống hố sâu. Song song với đó là việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của một bộ phận không nhỏ người dân chưa tốt. Nhiều người điều khiển phương tiện chưa có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn; chất lượng phương tiện thủy không đảm bảo, thiếu thiết bị an toàn, phao cứu sinh, chở quá trọng tải; việc quản lý, điều hành hoạt động của các bến khách ngang sông của chính quyền địa phương có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.
Phòng, chống đuối nước cho trẻ em đòi hỏi cần có những biện pháp quyết liệt hơn của các cấp, ngành, sự quan tâm sâu sát hơn của gia đình và cộng đồng đối với trẻ em. Cùng với tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đuối nước cần có các biện pháp cải tạo môi trường sống trong gia đình, trường học và cộng đồng, xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em sống và phát triển toàn diện.
Thùy Phương