Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, những tháng đầu năm 2019, một số bệnh truyền nhiễm theo mùa có nguy cơ gia tăng. Nổi bật trong đó là bệnh cúm độc lực cao, bệnh tay chân miệng, thủy đậu và sốt xuất huyết.
Đối với bệnh cúm độc lực cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh yêu cầu Trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và điều trị tích cực các loại cúm độc lực cao, như cúm A (H5N1), cúm do virus... Cùng với đó, Trung tâm chỉ đạo các đơn vị y tế xã, phường, đội ngũ y tế thôn bản tổ chức giám sát tại cộng đồng và tại cơ sở y tế qua những trường hợp viêm phổi nặng để phát hiện sớm những trường hợp nhiễm cúm gia cầm độc lực cao; đồng thời tăng cường các xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh.
Đặc biệt, ngành Y tế cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp giám sát các ổ dịch cúm gia cầm cũ và phát sinh mới, ngay từ khi dịch phát triển trên gia cầm, phát hiện sớm những bệnh nhân đầu tiên mắc cúm, điều trị tích cực để giảm tử vong và không để bệnh lây lan thành dịch. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hơn 2 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có trên 1 nghìn ca mắc cúm mùa, số ca mắc không tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng ở một số địa phương có chiều hướng gia tăng. Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp, tăng cường truyền thông và khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu bệnh nặng phải đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Hiện nay thời tiết đang chuyển dần từ mùa xuân sang mùa hè, nền nhiệt độ thay đổi liên tục, độ ẩm thấp, tạo điều kiện cho bệnh thủy đậu phát triển. Theo các bác sĩ Khoa Nội nhi, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus gây bệnh có trong không khí, lây qua đường hô hấp do người lành hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân bị thủy đậu ho, hắt hơi, xổ mũi, hoặc lây qua các vùng da bị tổn thương của người bệnh. Khi bị thủy đậu, trẻ thường xuất hiện trên người những nốt tròn nhỏ trong vòng 12- 24 giờ, các nốt sẽ nhanh chóng mọc thành mụn nước, bóng nước. Nốt mụn có thể mọc khắp toàn thân hoặc rải rác khắp cơ thể. Bệnh thủy đậu rất dễ gia tăng và lây lan nhanh trong cộng đồng, hiện số ca bệnh đang mắc khá nhiều. Riêng trong tháng 2/2019, tại Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã ghi nhận trên 50 ca mắc, trong đó chủ yếu là các bệnh nhân điều trị ngoại trú, chỉ rải rác một vài trường hợp nặng phải nhập viện điều trị nội trú.
Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp... nếu không được phòng ngừa và chữa trị kịp thời. Do đó, các bác sỹ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con đi tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin thủy đậu để hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh. Trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 cách liều thứ nhất 6 tuần trở lên hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu trở lại. Đối với trẻ trên 13 tuổi và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau 6 tuần. Toàn tỉnh có hàng trăm ca mắc thủy đậu, đã hình thành các ổ dịch nhỏ trong các trường học. Để hạn chế tình trạng lây lan bệnh thủy đậu, ngành Y tế phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh trong khu vực trường học để thực hiện việc cách ly. Khi phát hiện những chùm ca bệnh, cơ quan chức năng triển khai các biện pháp bao vây, khoanh vùng, xử lý ngay để không lây lan thành những ổ dịch lớn...
Đối với việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận gần 10 trường hợp mắc, trong đó tất cả đều là ngoại lai. Với tình hình thời tiết nắng nóng kết hợp mưa như hiện nay rất dễ xuất hiện bệnh sốt xuất huyết. Do đó, để phòng chống bệnh này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ đạo Trung tâm y tế, Trạm y tế các địa phương phát động vệ sinh môi trường phòng, chống các loại bệnh, trong đó tập trung vào phòng chống bệnh sốt xuất huyết; phát động toàn dân diệt bọ gậy; chuẩn bị các phương án sẵn sàng phòng chống khi dịch bệnh xảy ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, biện pháp phòng, chống các loại dịch bệnh một cách lâu dài và hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh với những bệnh đã có vắc xin tiêm phòng. Ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh công tác tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chú ý tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, thủy đậu, rubenla, quai bị, viêm não, viêm gan virus... với tỷ lệ đạt gần 98%. Hàng tháng, ngành Y tế tổ chức tiêm chủng định kỳ, đồng thời tổ chức các đợt tiêm bổ sung, tiêm vét, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin, phát huy cao nhất hiệu quả của các loại vắc xin trong phòng chống bệnh truyền nhiễm và bệnh theo mùa.
Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trước nguy cơ bùng phát một số bệnh trong mùa xuân-hè, ngành Y tế đã triển khai các điểm giám sát dịch bệnh, tập trung vào các địa bàn trọng điểm; tổ chức hệ thống tiêm chủng mở rộng khắp toàn tỉnh, chuẩn bị đầy đủ hóa chất và phương tiện để xử lý nếu dịch bệnh bùng phát... Đồng thời khuyến cáo người dân, để chủ động phòng chống một số loại bệnh truyền nhiễm và theo mùa, cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng... Đặc biệt, khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đồng thời thông báo cho cơ quan y tế nắm bắt để có biện pháp xử lý, khống chế, không để bệnh lây lan thành dịch trong cộng đồng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi