Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 732/CĐ-CP ngày 14-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch tiêu chảy cấp và cúm A(H1N1) bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân; UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về nguy cơ tác hại, đường lây nhiễm, cách phòng, chống dịch cúm A(H1N1) và dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả, đồng thời vận động nhân dân tích cực, chủ động, tự giác thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm; ăn chín, uống sôi để phòng, chống dịch bệnh cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng.
2. Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động lực lượng chức năng của đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; đặc biệt chú ý các điểm ăn uống đông người, các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm tươi sống, các điểm giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ thịt chó, thịt gia súc, gia cầm.
Tăng cường giám sát chất lượng các nguồn nước ăn, nước sinh hoạt và môi trường xung quanh nguồn nước để ngăn ngừa, hạn chế sự lây nhiễm, phát tán bệnh. Căn cứ vào kế hoạch hành động phòng, chống dịch tại đơn vị, địa phương năm 2009, trực tiếp chỉ đạo và triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện kịp thời ổ bệnh, người nhiễm bệnh, thực hiện các biện pháp chuyên môn để khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, cách ly và điều trị kịp thời người nhiễm bệnh.| Huy động nguồn lực của đơn vị, địa phương hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh. Phân công lãnh đạo và lực lượng thường trực phòng, chống dịch trực 24/24 giờ để kịp thời thu thập, tiếp nhận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng tăng cường công tác giám sát, kiểm tra dịch bệnh; theo dõi phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm bệnh cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp. Chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức các hoạt động phòng, chống dịch nhằm giảm tác hại tới mức thấp nhất của dịch bệnh.
Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, đặc biệt trong trường hợp có dịch lớn xảy ra. Xây dựng kế hoạch và tổ chức công tác thông tin, giáo dục truyền thông về phòng, chống dịch bệnh. Quản lý chặt chẽ nội dung thông tin quảng cáo về phòng, chống bệnh cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PT - TH tỉnh, Báo Ninh Bình chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống dịch bệnh với các hình thức đa dạng, phong phú, dễ hiểu để mọi người dân nhận thức đúng, đủ về nguy cơ và tác hại của bệnh cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp; đồng thời chủ động, tự giác thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh có hiệu quả. Nghiêm cấm đưa tin thiếu chính xác gây hoang mang trong cộng đồng, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối, bảo đảm nguồn ngân sách cho các hoạt động phòng, chống dịch.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh và các đoàn thể nhân dân tích cực tham gia cùng chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả việc phòng, chống dịch cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp.
Trên đây là một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo thực hiện. UBND tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cúm A(H1N1) và tiêu chảy cấp trên địa bàn tỉnh, thường xuyên báo cáo kết quả về UBND tỉnh.