PV: Xin đồng chí cho biết kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Ninh Bình thời gian qua?
Đ/c Đặng Hữu Lục: Phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình tổ chức triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế thành phố đã tham mưu cho UBND ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, như: Lập kế hoạch phòng, chống dịch bệnh và có các công văn chỉ đạo trạm y tế các xã, phường trên địa bàn thành phố triển khai thực hiện.
Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người, phân công thành viên Ban chỉ đạo phụ trách khu vực; tổ chức giao ban định kỳ hàng quý, triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tuyên truyền và tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác phòng, chống dịch bệnh tại đơn vị và trạm y tế các xã, phường trên địa bàn. Nâng cao năng lực hệ thống giám sát và kiểm soát dịch bệnh, thường xuyên giám sát, hỗ trợ tuyến xã tăng cường thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Có kế hoạch đảm bảo kinh phí, thuốc, hóa chất, trang thiết bị cần thiết cho hệ thống phòng, chống dịch bệnh để ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra.
Huy động được sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương và toàn thể nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống dịch. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; tổ chức ngày hội tổng vệ sinh môi trường và vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng, loại bỏ các nguồn ô nhiễm (nước, rác thải…) nhằm góp phần thực hiện tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, với tỷ lệ tiêm chủng đạt trên 95%. Khuyến khích người dân tiêm chủng các loại vắc xin dịch vụ để phòng, chống một số loại bệnh truyền nhiễm khi đã có vắc xin phòng bệnh như Viêm não mô cầu, Cúm mùa, Thủy đậu, Quai bị…
Nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế. Vì vậy công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố được triển khai đồng bộ, dịch bệnh phát sinh được khống chế và đẩy lùi, không có dịch lớn xảy ra. 9 tháng đầu năm 2019, thành phố có 1.513 ca mắc cúm (giảm 543 ca so với cùng kỳ năm 2018); 3 ca mắc quai bị (giảm 11 ca); 6 ca mắc chân tay miệng (giảm 1 ca); 13 ca thủy đậu (giảm 24 ca); 826 ca tiêu chảy (giảm 306 ca); 9 ca sốt xuất huyết (giảm 1 ca).
PV: Được biết, thành phố Ninh Bình đã xuất hiện các ca bệnh sốt xuất huyết nội sinh, Trung tâm y tế thành phố đã xử lý như thế nào để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng, thưa đồng chí?
Đ/c Đặng Hữu Lục: Bệnh sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Dengue gây ra và có thể gây thành dịch lớn. Trung tâm y tế thành phố Ninh Bình nhận được thông tin ca sốt xuất huyết nội sinh vào ngày 15/7/2019, tại phố Phúc Tân (phường Tân Thành). Ngày 16/7/2019, Trung tâm Y tế thành phố phối hợp với Trạm Y tế phường Tân Thành tiến hành điều tra dịch tễ tại nhà bệnh nhân. Tổ chức giám sát khu vực dân cư mà bệnh nhân sinh sống nhằm phát hiện sớm ca bệnh mới. Báo cáo tình hình dịch hàng ngày cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, ban hành các công văn chỉ đạo khẩn trương triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue. Viết bài và phát bài tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh phường 4 lần/ngày. Tổ chức vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy.
Đến ngày 18/7/2019, Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành giám sát véc tơ tại nhà bệnh nhân và những hộ dân sinh sống quanh nhà bệnh nhân. Ngày 19/7/2019, Trung tâm Y tế thành phố Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trạm y tế phường Tân Thành, UBND phường Tân Thành triển khai phun hóa chất tại nhà bệnh nhân và bán kính 200m quanh nhà bệnh nhân. Sau khi tiến hành phun hóa chất vào ngày 19/7/2019, đến nay chưa phát hiện ca bệnh sốt xuất huyết mới tại khu vực trên.
PV: Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Trung tâm y tế thành phố tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?
Đ/c Đặng Hữu Lục: Việc phòng và chống dịch bệnh phải được thực hiện một cách hài hòa và đồng bộ, trong chống có phòng và trong phòng phải có giải pháp sẵn sàng chống nếu có dịch xảy ra. Công tác phòng, chống dịch cần phải thực hiện một cách chủ động, tích cực và hiệu quả. Cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở tất cả các cấp. Tăng cường các hoạt động giám sát bệnh chủ động tại cộng đồng và các cơ sở điều trị, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên, kịp thời thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát trên địa bàn. Cùng với đó, thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, thường xuyên rà soát đối tượng và tổ chức tiêm vét các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đạt ít nhất 95% trên quy mô xã, phường. Nâng cao chất lượng của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát bệnh truyền nhiễm. Thực hiện tốt ứng dụng trong phần mềm giám sát bệnh truyền nhiễm và phần mềm quản lý tiêm chủng. Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền cho người dân hiểu và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trong việc chủ động giám sát, chia sẻ thông tin và tổ chức các hoạt động phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Kiện toàn lại đội cơ động chống dịch bệnh, sẵn sàng thực hiện xử lý ổ dịch, hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền qua thực phẩm. Chuẩn bị sẵng sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo từng tình huống nếu xảy ra dịch bệnh lớn hoặc xảy ra đại dịch, các tình huống nguy cơ về y tế công cộng. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Vân