Thực hiện lời dạy của Người, ngành Y tế Ninh Bình cùng với việc đẩy mạnh công tác khám, điều trị cho người bệnh còn quan tâm thực hiện tốt công tác dự phòng nhằm bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân. Nhiều năm liền, Ninh Bình luôn là địa bàn "nói không" với dịch bệnh nguy hiểm, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng…
Ngay tại tuyến y tế cơ sở, công tác phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Trạm y tế các xã, phường, thị trấn đã làm tốt vai trò nòng cốt trong việc duy trì ngày vệ sinh môi trường hàng tháng, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân về việc vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, có ý thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Tại nhiều khu dân cư, người dân đã tích cực tham gia dọn vệ sinh môi trường, khơi thông dòng chảy, phát quang cây cối rậm rạp, thực hiện "ba sạch" trong sinh hoạt, ăn uống, xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình… Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhiều địa phương trong tỉnh đã tuyên truyền, vận động người dân đầu tư kinh phí, ngày công để xây mới, cải tạo các công trình hợp vệ sinh. Từ sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trong năm 2014 đã hỗ trợ kinh phí để cải tạo, xây mới 24 công trình vệ sinh tại các trạm y tế xã, xây dựng 80 nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 69,29% hộ gia đình khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 2,6% so với năm 2013, 88,23% trạm y tế xã khu vực nông thôn có công trình nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng 20,2% so với năm 2013, 100% nhà máy, trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn được kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích đánh giá chất lượng nước. Cũng tại tuyến y tế cơ sở, các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế như: dự án tiêm chủng mở rộng, uống vitamin A, phòng, chống dịch bệnh…được triển khai hiệu quả, giúp cho nhiều người dân, nhất là đối tượng trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai… được chăm sóc về sức khỏe để phòng, chống dịch bệnh. Do nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác dự phòng, công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh đã đạt tỷ lệ cao: tiêm phòng sởi mũi 2 đạt 98%, tiêm vắc xin sởi- rubella đợt 1 đạt 97,8%, 100% trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi và 96,5% bà mẹ sau đẻ trong tháng đầu được uống bổ sung vitamin A, bà mẹ mang thai được tiêm vắc xin uốn ván. Tại các địa điểm tập trung đông người như: trường học, nhà máy, xí nghiệp, công ty..., công tác y tế học đường, công tác khám sức khỏe nghề nghiệp được triển khai thường xuyên đã góp phần phòng, chống một số dịch bệnh đặc thù thường xảy ra như: phòng, chống bệnh giun sán, tiêu chảy, bệnh nghề nghiệp...
Cùng với những hoạt động phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở, công tác chuyên môn, kỹ thuật của các đơn vị dự phòng được chú trọng. Ngành Y tế đã thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời và theo quy định, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh từ việc nắm bắt kịp thời diễn biến dịch bệnh tại cơ sở, xử lý ổ dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên, dập dịch ngay tại nơi phát sinh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm, chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh luôn được đặc biệt quan tâm. Tất cả các ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh đầu tiên đều được điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và gửi ngay lên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm, chẩn đoán. Tại các đơn vị dự phòng, việc tập huấn bổ sung kiến thức, quy trình xử lý ổ dịch cho 100% cán bộ giám sát, điều tra xử lý ổ dịch được tăng cường, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất và phương tiện để ứng phó khi có dịch xảy ra. Các đội cơ động phòng, chống dịch bệnh luôn sẵn sàng tăng cường nhân lực, thuốc, trang thiết bị cho tuyến dưới.
Các đơn vị điều trị đều có kế hoạch giải phóng, phân tuyến các bệnh nhân mắc bệnh thông thường để ưu tiên cho bệnh nhân nhiễm dịch, thực hiện đúng quy chế cách ly, xử lý lây chéo theo quy định chuyên môn... Do đó, từ đầu năm đến nay mặc dù một số dịch bệnh nguy hiểm xuất hiện ở trong và ngoài nước như: Ebola, cúm A/H7N9...nhưng trên địa bàn tỉnh không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Bên cạnh đó, đa số các bệnh truyền nhiễm có số ca mắc giảm so với năm 2013 như: 7.696 trường hợp mắc tiêu chảy, giảm 1.426 ca; cúm mùa có 14.393 ca mắc, giảm 5.031 ca; tay-chân-miệng có 332 ca mắc, giảm 613 ca; rubella không có ca nào, trong khi năm 2013 có 31 ca mắc, không xảy ra trường hợp mắc cúm A (H1N1), cúm A (H5N1)...
Bài, ảnh: Lý Nhân