Với việc các hiệu thuốc tân dược "mọc" lên ở khắp các khu dân cư, phục vụ thuận lợi cho nhu cầu mua và sử dụng thuốc trong điều trị bệnh cho người dân cũng đồng nghĩa với việc mặt hàng đặc biệt này được mua bán rất đơn giản, chẳng khác gì mua mớ rau, mớ cá ngoài chợ…
Một lần vào hiệu thuốc gần nhà tôi gặp một bác đã trung tuổi đi mua thuốc có tên là "Tuần hoàn não", bác cho biết: Tôi bị đau đầu suốt nên nghĩ là sẽ mua một loại thuốc nào đó để làm dịu cơn đau. Được người bán hàng tư vấn nên dùng "tuần hoàn não" nên tôi đã mua. Dùng một vài lần thấy "ổn" nên mỗi khi đau đầu, khó chịu, lại tìm mua loại thuốc này.
Đối với chị Phạm Thị Dân (xã Kim Chính-Kim Sơn), việc đi mua thuốc lại xuất phát từ… quảng cáo trên ti vi. Chị Dân cho biết: Tôi bị đau dạ dày đã lâu, cũng đã một lần khám và được bác sỹ chẩn đoán. Nhưng khi xem quảng cáo trên ti vi, thấy quảng cáo loại viên nhai dùng để giảm những cơn đau dạ dày, thế là tôi mua về dùng mỗi khi đau. Thấy các cơn đau dạ dày "ổn" khi dùng loại thuốc này nên đã lâu tôi không phải đến bệnh viện nữa mà ra thẳng hiệu thuốc gần nhà…
Không chỉ riêng 2 khách hàng kể trên thường đi mua thuốc về điều trị theo "cảm tính" và hoàn toàn tin tưởng vào việc "chẩn đoán", "kê đơn" của người bán thuốc hoặc quảng cáo qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua Internet… Qua kết quả khảo sát gần đây do Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế phối hợp thực hiện cho thấy, cứ 10 người dân thì có tới 9 người mua thuốc kháng sinh mà không hề có đơn bác sĩ. Riêng lượng thuốc kháng sinh đã chiếm tới 1/4 số thuốc được bán ra mỗi ngày.
Tại Ninh Bình, qua tìm hiểu của phóng viên, đa phần người đến mua đều không có đơn của bác sỹ mà thường đến kể về triệu chứng bệnh của mình rồi nghe theo tư vấn của người bán hàng để mua thuốc. Ngay tại một số hiệu thuốc lớn có số lượng khách hàng đông, người bán hàng, mà phần lớn tốt nghiệp qua các trường trung cấp, cao đẳng y tế nhưng sẵn sàng tư vấn, "kê đơn, bốc thuốc" cho khách hàng chẳng khác gì các bác sỹ tại các phòng khám trong bệnh viện. Dường như, do tin tưởng, hoặc do thói quen… nên việc tự ý mua thuốc không cần đơn và chẩn đoán của bác sỹ vẫn diễn ra phổ biến. Tại một số bệnh viện, nhất là qua trao đổi với các bác sỹ thuộc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh được biết: Nhiều gia đình bố mẹ tự ý điều trị bệnh cho con tại nhà, chỉ khi thấy bệnh tình của con cái nặng lên mới vội vàng đưa con đến viện… Với các trường hợp này, sẽ khó khăn cho các bác sỹ khi điều trị.
Tình trạng người dân tự ý mua thuốc về điều trị tại nhà diễn ra khá phổ biến. Những trường hợp này chỉ khi thấy bệnh tình không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu nặng hơn mới tìm đến bệnh viện. Do đó, các ngành chức năng cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân từ bỏ thói quen lâu nay bởi việc mua thuốc về điều trị không qua chẩn đoán, có đơn của bác sỹ đã và đang gây ra nhiều hậu quả khôn lường: việc điều trị tại nhà kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh, gây tốn kém về kinh tế, góp phần hình thành những bệnh do kháng thuốc kháng sinh.
Theo khuyến cáo của ngành Y tế, mỗi khi trong gia đình có người bị bệnh, nên đưa người bệnh đến cơ sở khám, chữa bệnh để được bác sỹ khám, chẩn đoán và có những lời khuyên, cách điều trị tốt nhất. Các bậc phụ huynh khi điều trị bệnh cho con nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sỹ, nhất là việc định liều thuốc sử dụng hợp lý nhằm đem lại hiệu quả và sự an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian điều trị cho người bệnh.
Lý Nhân