Nhận được kết quả thi tuyển vào trường Đại học Công đoàn khối D với 14, 5 điểm, Vũ Hồng Anh ở phường Nam Bình (thành phố Ninh Bình) không trúng tuyển với nguyện vọng 1 của mình. Trong thời điểm đang băn khoăn suy nghĩ để lựa chọn cho mình nguyện vọng 2 phù hợp thì Hồng Anh nhận được khá nhiều các giấy báo trúng tuyển từ các trường cao đẳng, trung cấp với những cái tên nghe lạ hoắc.
Lần đầu khi nghe cô nhân viên bưu điện thông báo gia đình có giấy báo trúng tuyển, cả nhà đều mừng, vội vàng mở thư ra xem. Thì ra là giấy báo trúng tuyển được gửi từ trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Việt -úc (có địa chỉ ở Hà Nam). Chưa kịp xem hết nội dung, cả nhà Hồng Anh đã chán nản, vứt vào góc tủ vì đây không phải là trường mà Hồng Anh muốn vào học. Ngay ngày hôm sau, gia đình Hồng Anh lại nhận được tiếp không phải là 1 mà là 2 giấy báo trúng tuyển của một trường Cao đẳng về du lịch ở tận miền Trung và 1 của trường Trung cấp Công thương Hà Nội.
Hỏi chuyện, Hồng Anh cho biết: Em và gia đình đã định sẵn dự định cho nguyện vọng 2. Tuy nhiên, khi những giấy báo của các trường cao đẳng, trung cấp cứ tới tấp gửi về khiến tâm trạng em như bấn loạn lên, không tập trung để suy nghĩ được…
Cũng như Hồng Anh, với những thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, thời điểm này rất nhiều gia đình phải đón tiếp những "vị khách"hết sức khó chịu là những giấy báo trúng tuyển từ các trường cao đẳng, đại học. ở khắp mọi miền đất nước.
Trong thời buổi các trường cao đẳng, trung cấp "mọc" lên như nấm, việc gửi giấy báo trúng tuyển tràn lan là một trong những cách để các trường cao đẳng, trung cấp có cơ hội tiếp thị, quảng bá về trường để thu hút thí sinh.
Theo nhiều phụ huynh có con em tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng thì những trường có "chiêu" gửi giấy báo trúng tuyển phần lớn là những trường kém sức hấp dẫn, nhu cầu của người học không cao.
Vì vậy, với việc sử dụng hình thức gửi giấy báo trúng tuyển tới thí sinh, theo nhiều phụ huynh đánh giá, đây là cách làm vừa tốn kém về kinh phí để in ấn, giấy tờ, cước bưu điện, lại vừa làm phiền người khác.
Bên cạnh phần lớn các gia đình xem những giấy báo trúng tuyển như những "vị khách" không mời mà đến thì có số ít gia đình lại xem những giấy báo trúng tuyển là cơ hội để lựa chọn ngành nghề cho tương lai con em. Bác Nguyễn Văn Minh (Lai Thành -Kim Sơn) cho biết: Gia đình ở quê nên ít thông tin, khi nhận được giấy báo trúng tuyển cũng thấy vui vì con tôi có điều kiện biết thông tin để lựa chọn trường cần học.
Bùi Diệu