Tuần trước, khi đang lái xe từ Nho Quan về thành phố Ninh Bình, tôi nhận được một cuộc gọi từ một số máy lạ. Tấp vội xe vào lề đường, giọng người phụ nữ hốt hoảng: Chị có phải là Phan Hiếu Báo Ninh Bình không? Chưa vội trả lời, tôi hỏi lại chị có việc gì? Giọng nói gần như khóc, chị phụ nữ kể: Gia đình em đang gặp hoàn cảnh hết sức khó khăn, con em bị suy gan nặng dù cháu mới 18 tháng tuổi, trong khi bố mẹ chồng già yếu, cả nhà chỉ có mỗi chồng là lao động chính còn hai mẹ con ngược xuôi đi viện để điều trị. Nhưng đợt này, bệnh con em nặng lắm, phải phẫu thuật mới khỏi, mà nhà em thì…Em được biết chị phụ trách mục "Nhịp cầu nhân ái" của Báo Ninh Bình nên em muốn chị giúp em đưa thông tin của con em để có thể kêu gọi mọi người chia sẻ, giúp đỡ… Khi đó, tôi thực sự xúc động, không chỉ bởi hoàn cảnh mà người phụ nữ trẻ đang gặp phải, mà còn bởi những nội dung từ chuyên mục do phòng Văn xã (Báo Ninh Bình) thực hiện lâu nay đã được nhiều người biết đến, tin tưởng để sẵn sàng chia sẻ, tâm sự… Nhớ lại suốt các số báo mà mục "Nhịp cầu nhân ái" xuất hiện là bằng ấy số phận khác nhau ở các huyện, thành phố trong tỉnh đã được các phóng viên phòng Văn xã thực hiện và duy trì. Trong đó, tôi thực sự ấn tượng bởi đôi mắt sáng, nụ cười tươi của cô bé Phạm Thị Linh ở xóm Đồi, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, em bị mắc bệnh ung thư xương. Mặc dù trường hợp này tôi không trực tiếp viết bài, nhưng đọc xong bài báo phóng viên phản ánh, tôi cứ day dứt với hoàn cảnh của cô bé. Lẽ ra, nếu không bị bệnh, năm nay em đã học xong lớp 11, nhưng căn bệnh quái ác đã làm cho em bị ngắt quãng thời gian đến trường, gắn bó với bệnh viện để điều trị căn bệnh hiểm nghèo. Với hoàn cảnh gia đình làm nông nghiệp, cả nhà chỉ trông chờ vào thu nhập của bố đi làm thợ xây, 2 anh chị của Linh đều học đại học nên để chữa bệnh cho Linh, nhà Linh đã bán hết tất cả những gì gọi là có giá trị và hiện vẫn còn một số nợ lớn với anh em họ hàng. Nhưng bố mẹ Linh chưa bao giờ mất đi niềm tin về việc con gái sẽ khỏi bệnh, tiếp tục ước mơ đến trường. Ban đầu, tôi dự định nhờ bạn bè giúp đỡ cho em một chút quà nhỏ. Nhưng khi cùng bạn tôi ở Hà Nội về thăm em, chứng kiến nỗ lực của em chiến đấu với bệnh tật, nhất là dù một chân phải bỏ đi vì khối u, phải chống nạng, nhưng Linh chưa một ngày nghỉ học và nỗ lực đạt danh hiệu học sinh giỏi, bạn học đại học của tôi đã họp bàn với bạn bè cùng học Đại học Luật ngày trước trích quỹ "Chúng tôi làm từ thiện" để giúp đỡ Linh một phần chi phí chữa bệnh hàng tháng. Vậy là cứ vào đúng mùng 1 đầu tháng, Dũng, bạn tôi lại gửi vào tài khoản cho tôi số tiền giúp đỡ Linh để tôi trao lại cho gia đình em. Khi thấy sức khỏe của em đã dần ổn định, chúng tôi đã bàn nhau nên tìm hiểu để lắp chân giả cho em thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại. Khi đó, tôi đã mạo muội gọi điện cho đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và rất may mắn là đồng chí đã vui vẻ nhận lời giúp đỡ. Xong cuộc điện thoại này, niềm vui trong tôi vỡ òa, tôi đã điện thoại ngay cho nhóm bạn để thông báo tin vui này. Thể theo nguyện vọng của gia đình, đầu tháng 6 vừa qua, ngay sau khi Linh hoàn thành năm học, tôi đã hướng dẫn và đưa gia đình em vào Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Tam Điệp để khám và lắp chân giả… Từ ngày bước chân vào nghề báo đến nay đã hơn chục năm, với không chỉ riêng tôi, hoạt động nhân đạo, từ thiện đối với nhiều người cầm bút ở Báo Ninh Bình không chỉ giới hạn ở những bài viết. Hồi mới về cơ quan, tôi được chứng kiến đồng nghiệp của tôi, nhà báo Bùi Trang Nhung, Thư ký Tòa soạn khi đó là phóng viên phòng Văn xã đã có nhiều việc làm ý nghĩa đối với những nhân vật sau các bài viết của chị. Một lần là trường hợp của một người phụ nữ mắc HIV phải chịu sự xa lánh, kỳ thị của mọi người xung quanh ở một xã thuộc huyện Gia Viễn. Thời đó, HIV như là một căn bệnh khủng khiếp khiến không ai muốn gần gũi người mắc bệnh, kể cả đứng gần, trò chuyện. Sau cuộc gặp gỡ với người phụ nữ mắc HIV đó, dù hoàn thành xong bài viết của mình, nhưng chị vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh người phụ nữ nông thôn nghèo, khi đó suy sụp về tinh thần vì cả chồng và con đều chết vì căn bệnh, giảm sút về sức khỏe, chỉ còn da bọc xương, lặng lẽ và thoi thóp trong căn nhà lụp xụp cuối làng, tương lai phía trước mờ mịt... Chị đã về cơ quan, vận động mọi người quyên góp để có một chút quà gửi động viên người phụ nữ đó. Mấy năm sau, tình cờ tôi có dịp gặp lại người phụ nữ có H đó, về kể chuyện cho đồng nghiệp, chị Trang Nhung đã vô cùng phấn khởi vì thấy người phụ nữ đó đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, sức khỏe tốt hơn, phấn đấu lao động và hòa nhập với cộng đồng…Không chỉ riêng đối với người phụ nữ có H ở Gia Viễn, dường như với người đồng nghiệp của tôi, những nhân vật liên quan đến H thường hay "ám ảnh" trong các bài viết của chị. Cũng phải cách đây vài năm, chúng tôi đã cùng nhau quyên góp tiền để đi thăm hỏi, tặng quà cho câu lạc bộ "Vì ngày mai tươi sáng" ở thành phố Ninh Bình và huyện Kim Sơn. Chuyến đi đó cũng xuất phát từ những tâm sự, trăn trở của nhà báo Trang Nhung trước những mảnh đời và nỗi khổ không biết nói cùng ai của những người nhiễm HIV. Khi đó, tôi vẫn nhớ chị đã nói, xã hội vẫn kỳ thị những người có H, vậy nên dù chỉ một chút quà nhỏ của mình thôi, nhưng cũng góp phần động viên, chia sẻ với họ, để họ thấy cần phải vui sống để hòa nhập cộng đồng, để không phải là "người thừa" trong xã hội…
Trong quãng đời làm báo, không chỉ tôi, nhà báo Trang Nhung, mà còn nhiều nhà báo đã dành sự quan tâm đặc biệt cho những nhân vật trong các bài viết của họ, nhất là những hoàn cảnh kém may mắn trong cuộc sống… Điều đó thể hiện cái tâm của người làm báo trước mỗi số phận, hoàn cảnh trong xã hội, rất đáng trân trọng và ghi nhận. Mỗi người cầm bút chúng tôi đều mong muốn thông qua các bài viết của mình, có sức lan tỏa trong xã hội không chỉ bởi chất lượng của bài báo, mà còn bởi ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà nhà báo góp phần đem lại, như cách mà chúng tôi đã và đang duy trì chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái"…
Phan Hiếu