Nhờ có nguồn nguyên liệu tại chỗ này, trong những năm qua, ngành Công nghiệp vật liệu xây dựng Ninh Bình đã có những chuyển biến tích cực trong đầu tư mở rộng sản xuất, giải quyết cơ bản cân đối giữa cung và cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Đã sản xuất nhiều chủng loại thông dụng, được sử dụng với lượng lớn như gạch ngói đất sét nung, đá xây dựng, bê tông thương phẩm, thép xây dựng, đá xẻ, đá mỹ nghệ, bột đá siêu mịn các loại, đất đá san nền..., đặc biệt sản phẩm xi măng có bước phát triển mạnh.
Theo thống kê sơ bộ, số cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đến nay có 716 cơ sở, trong đó 8 cơ sở sản xuất xi măng, 26 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, 67 cơ sở khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng, xi măng, 42 cơ sở khai thác đất đá san nền, 22 cơ sở khai thác đất sét làm gạch, 19 cơ sở sản xuất vôi, 88 cơ sở sản xuất gạch, 392 cơ sở kinh doanh vật liệu... Tính trong giai đoạn 2005 - 2010, sản lượng sản phẩm vật liệu xây dựng tăng lên đáng kể, như xi măng và clinke năm 2010 đạt 8.400 nghìn tấn, tăng gấp 7,27 lần so với năm 2005; thép xây dựng năm 2010 đạt 849,9 nghìn tấn, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2005; gạch đất nung 2010 đạt 2.515 triệu viên, tăng gấp 2,3 lần năm 2005; đá xây dựng đạt 20.730 nghìn m3, gấp 2,7 lần năm 2005...
Đằng sau sự phát triển, công nghiệp vật liệu xây dựng đang hiện hữu những bất cập, hạn chế. Nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao trong những năm qua đòi hỏi phát triển nhanh ngành khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, dẫn đến việc quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản chưa đáp ứng kịp thời. Đặc biệt, đã xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi, không tập trung, lãng phí một số loại vật liệu như đá xây dựng, đất đá san lấp, đất sét… Chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng chưa đa dạng, quy mô sản xuất ở một số loại sản phẩm vẫn còn nhỏ lẻ, sản xuất tự phát, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là các HTX tư nhân, hộ cá thể, chất lượng sản phẩm chưa cao. Tình trạng sản xuất manh mún gây tác động to lớn đến môi trường sinh thái, đặc biệt ở một số cơ sở gạch nung, nghiền sàng đá xây dựng; chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cấp, ngành, chính quyền về sản lượng, chất lượng, giá thành, an toàn lao động, thu nộp thuế, thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường.
Để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và đảm bảo trong tổng quan quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 thì việc nghiên cứu quy hoạch phát triển phù hợp ngành công nghiệp vật liệu xây dựng - ngành kinh tế quan trọng của tỉnh là hết sức cần thiết và cấp bách. Hiện nay, Quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh Ninh Bình đến năm 2010 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 610/2005/QĐ-UBND ngày 13-4-2005 nay đã hết hiệu lực.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện Sở Xây dựng đang được giao làm chủ đầu tư, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu dự án quy hoạch phát triển sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Được biết, quy hoạch lần này sẽ tập trung vào đổi mới công nghệ, đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nâng cao chất lượng, sản lượng các loại vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu trên thị trường, góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Quan điểm phát triển sản xuất vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng ở Việt Nam; phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn các di tích lịch sử, văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Phát triển đa dạng các chủng loại vật liệu xây dựng, chú trọng phát triển các loại vật liệu xây dựng mới thay thế có chất lượng, giá trị kinh tế cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất. Hy vọng đây sẽ là bước tiến mới cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng ở tỉnh Ninh Bình.
Thanh Thủy