Hoạt động được hơn 1 năm nay, tổ hợp may của gia đình ông Đinh Văn Lưu ở xóm 2 thu hút khá đông lao động địa phương do tổ hợp duy trì tốt hợp đồng gia công sản phẩm với các công ty may mặc ở Nam Định và Hà Nội. Trao đổi với gia đình chủ tổ hợp, chúng tôi được biết: Khi có ý định hình thành tổ hợp may, tổ hợp đã tính toán cẩn thận và tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng gia công sản phẩm…. nên việc làm cho lao động được duy trì thường xuyên . Về địa phương, tổ hợp phối hợp với Hội phụ nữ xã để tổ chức dạy nghề cho lao động địa phương mà chủ yếu là hội viên phụ nữ. Làm việc tại tổ hợp, sau khi đã thành thạo nghề, trung bình mỗi lao động có thu nhập từ 800.000 đồng- 1,5 triệu đồng/người/tháng. Nếu có đầy đủ lao động làm việc, mỗi tháng tổ hợp xuất đi 7.000- 8.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng quần áo xuất khẩu.
Theo đánh giá, đây là tổ hợp rất mạnh dạn và năng nổ trong việc tìm kiếm khách hàng, đầu tư kinh phí mở rộng và phát triển nhà xưởng. Ở xóm 2 xã Yên Thắng, không chỉ có tổ hợp của gia đình ông Đinh Văn Lưu hoạt động hiệu quả mà tổ hợp may của chị Dương Thị Sáu mặc dù thu hút ít lao động hơn nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi phần lớn lao động làm nghề tại tổ hợp đều là người khuyết tật. Đến thăm tổ hợp may của chị Dương Thị Sáu, nhìn những người khuyết tật đang cặm cụi bên máy may với những đường may thuần thục, ít ai nghĩ rằng đó lại là những người thiệt thòi về sức khỏe, trí tuệ và có những mặc cảm nhất định.
Chủ tổ hợp, chị Dương Thị Sáu chia sẻ: Tôi làm nghề may từ năm 1993 nhưng đến năm 2006 mới bắt đầu dạy nghề cho người khuyết tật. Ban đầu, việc dạy nghề cho người khuyết tật hết sức gian nan, khó khăn vì chỉ có một mình "đánh vật" với người thì bị câm, điếc, người thì chân, tay không lành lặn. Nhưng với tấm lòng và sự cảm thông sâu sắc, sự chỉ dẫn ân cần của mình, một người rồi hai, ba người thành nghề và có có thể kiếm thu nhập ngay tại tổ hợp.
Tổ hợp may của gia đình ông Đinh Văn Lưu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
"Tiếng lành đồn xa", đến nay tổ hợp của chị Sáu đã thu nhận và dạy nghề cho hàng chục người khuyết tật. Hiện tại tổ hợp có 14 người khuyết tật đang học và làm nghề, người làm tốt nhất có thể có thu nhập từ 800- 900 nghìn đồng/người/tháng.
Giờ thì chủ tổ hợp không còn "đơn thương độc mã" trong việc dạy nghề cho người khuyết tật. Chính quyền địa phương, huyện và tỉnh đều biết và quan tâm, dành nhiều sự hỗ trợ để tổ hợp được duy trì và phát triển. Sở Lao động, thương binh và xã hội đã quyết định hỗ trợ cho 13 người khuyết tật tiền ăn trưa và kinh phí dạy nghề cho chủ tổ hợp. Cùng với đó, khách hàng tìm đến để may quần áo tại tổ hợp của chị Sáu nhiều dần lên vì tin tưởng vào tay nghề của những người khuyết tật. Các trường học cũng tìm đến "đặt" hàng quần áo đồng phục cho học sinh khi bước vào năm học mới như một sự tin tưởng và ủng hộ hoạt động của tổ hợp
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo xã Yên Thắng, chúng tôi được biết: Hiện nay Yên Thắng có 4 tổ hợp may đang hoạt động hiệu quả cùng với các ngành nghề khác như: đan cói xuất khẩu, đan bèo bồng, chế biến lương thực thực phẩm… Tuy chỉ mới xuất hiện và hoạt động từ vài ba năm nay nhưng các tổ hợp may đã góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm cho lao động nữ của địa phương.
Để hỗ trợ các tổ hợp hoạt động hiệu quả, xã đã chỉ đạo Hội phụ nữ làm tốt công tác phối hợp với các tổ hợp để dạy nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động. Trung bình mỗi năm xã đã tổ chức được 2- 3 lớp dạy nghề, thu hút đông lao động tham gia. Việc phát triển nghề may nói riêng, ngành nghề nói chung được cấp ủy, chính quyền xã hết sức quan tâm, có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể nên qua các năm có sự phát triển cả về quy mô, số lượng lao động tham gia. Đây cũng là một trong các giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Nghề may đã góp phần quan trọng vào giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hàng năm của xã. Như năm qua, giá trị này đạt 3,5 tỷ đồng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 10,67% năm 2008 xuống còn 9,2% năm 2009. Sự phát triển từ các ngành nghề ở Yên Thắng giúp địa phương này hoàn toàn có quyền hy vọng sẽ tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo theo đúng mục tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2005- 2010 đã đề ra.
Bài, ảnh: Bùi Diệu