Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, hiện nay một số chợ trên địa bàn tỉnh có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật xuống cấp, không đồng bộ, diện tích khai thác kinh doanh chợ không đáp ứng nhu cầu mua bán của nhân dân, lối đi hẹp, thiếu hệ thống các công trình phụ (nhà vệ sinh, bãi đậu xe,...), chưa đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, việc quản lý chợ và điều hành hoạt động của chợ còn nhiều bất cập; vai trò, trách nhiệm của Ban quản lý, Tổ quản lý chợ chưa được phát huy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu; các quy định của pháp luật về thuế, an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ, chống hàng giả, hàng nhái... chưa thực hiện tốt, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến quá trình chỉnh trang đô thị, nếp sống văn minh...
Trước thực trạng trên, tỉnh đã hướng trọng tâm vào việc thu hút đầu tư lĩnh vực thương mại, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới chợ. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp đã đầu tư 2 dự án TTTM hạng III, 8 dự án siêu thị với tổng diện tích đất thương mại dịch vụ là 47.000m2. Trong đó, có 1 siêu thị hạng I, 2 siêu thị hạng II và 6 siêu thị hạng III.
Các dự án đầu tư xây dựng TTTM, siêu thị đều được đầu tư từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, lưu lượng hàng hóa tiêu dùng, trao đổi chủ yếu vẫn được thông qua mạng lưới chợ chiếm từ 75 - 80% ở khu vực nông thôn và chiếm 50 - 55% ở khu vực thành thị. Lượng hàng hóa phân phối qua kênh TTTM, siêu thị, cửa hàng tiện lợi chỉ chiếm 20%, còn lại là trao đổi qua các hệ thống giao dịch khác.
Đối với chợ mới và cải tạo nâng cấp chợ cũ, đến nay, đã có 47 dự án đầu tư xây dựng với tổng số vốn đầu tư là hơn 110 tỷ đồng. Trong đó, 8 dự án có nguồn xã hội hóa, còn lại được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Những chợ này chủ yếu là chợ loại III ở khu vực nông thôn, phục vụ cho nhu cầu dân sinh đầu tư kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Làm việc với đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương, chúng tôi được biết: Việc quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ mạng lưới chợ với quy mô cơ cấu, tính chất và công năng tương thích với nhu cầu của lưu thông hàng hóa và thị trường của từng địa bàn.
Đồng thời, sắp xếp vị trí hợp lý những chợ chưa có địa điểm phù hợp theo quy hoạch; những chợ hiện có cần phải di dời, nâng cấp; phát triển thêm chợ mới ở những địa bàn mà mật độ chợ thấp, các khu dân cư mới hình thành hay phát triển chợ chuyên doanh về nông sản, rau quả, thủy sản ở một số khu vực tiêu thụ tập trung.
Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ giữ nguyên 26 chợ; nâng cấp, cải tạo 66 chợ; xây mới trên nền cũ 6 chợ; di dời, xây mới 7 chợ; xóa bỏ khỏi quy hoạch 5 chợ; phát triển mới 35 chợ; xây mới và đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản trên địa bàn toàn tỉnh; đảm bảo mỗi chợ phục vụ 7.300 dân, bán kính phục vụ không quá 1,7km/chợ, diện tích bình quân tối thiểu của hộ kinh doanh cố định tại chợ đến năm 2025 đạt 12 m2/hộ; 100% số chợ đạt chuẩn về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; số hộ kinh doanh cố định trung bình/chợ đến năm 2025 sẽ là 100-110 hộ/chợ; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất chợ; hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới.
Cùng với công tác quy hoạch, tỉnh cũng đã đưa ra các giải pháp để thu hút đầu tư. Theo đó, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các chợ dân sinh tại các khu đông dân cư, các khu công nghiệp; thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư xây dựng chợ đầu mối bán buôn, chợ tổng hợp bán buôn, bán lẻ ở các trung tâm huyện, thành phố...; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ tại tất cả các địa bàn.
Song song với đó là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, ngân sách địa phương hỗ trợ đầu tư xây dựng các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm và chợ hạng II, hạng III ở địa bàn nông thôn. Lồng ghép việc xây dựng chợ dân sinh với các dự án và chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thêm bằng các cơ chế, chính sách (tài chính, tín dụng, đất đai...) để xây dựng hạ tầng kỹ thuật chợ, trước mắt, ưu tiên dành vốn hỗ trợ xây dựng chợ ở các xã có nhu cầu mở chợ nhưng chưa có chợ.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm