Những chuyển biến tích cực Hiện nay, toàn tỉnh có 327 HTX, thu hút 224.320 thành viên tham gia, trong đó 230 HTX nông nghiệp; 29 HTX chuyên ngành; 29 HTX phi nông nghiệp; 39 quỹ tín dụng nhân dân. Toàn tỉnh đã có 316/327 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đạt 97,6%. Cụ thể có: 224/230 HTX nông nghiệp, đạt 97,6%, (còn 6 HTX hết đất chờ giải thể của thành phố Ninh Bình); 17/22 HTX phi nông nghiệp và chuyên ngành, đạt 77% (còn 5 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể); 39/39 Quỹ tín dụng nhân dân, đạt 100%; 36 HTX mới thành lập.
Với việc không ngừng đổi mới lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, xúc tiến đầu tư, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, các HTX, tổ hợp tác từng bước được củng cố, phát triển và khẳng định vị thế của mình trong cơ chế thị trường. Ngày càng xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trên các lĩnh vực. Các HTX dịch vụ nông nghiệp sau khi tiến hành tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012 đã được củng cố tổ chức, bộ máy, hầu hết các HTX đã vận động góp vốn, tăng vốn điều lệ; một số HTX hoạt động khá, vận động góp vốn điều lệ từ 300.000 đồng đến 600.000 đồng/thành viên; đội ngũ cán bộ chủ chốt được nâng lên về chất lượng; một số HTX có cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản.
Điểm đáng chú ý là các khâu dịch vụ của các HTX sau chuyển đổi tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Ngoài các khâu dịch vụ cơ bản đã được đảm nhiệm tốt như: làm đất, thủy lợi, tưới tiêu, bảo vệ nội đồng, khuyến nông... nhiều HTX còn mạnh dạn mở rộng, phát triển một số khâu dịch vụ mới như: thu hoạch, vật tư nông nghiệp, liên kết bao tiêu sản phẩm... Một số HTX chủ động hướng dẫn thành viên tiến hành chuyển đổi khu vực đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, sản xuất theo mô hình trang trại đa canh, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích đất nông nghiệp như HTX nông nghiệp Vân Trà (Yên Thắng, Yên Mô) có trên 60ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả được HTX hướng dẫn chuyển đổi sang cấy lúa kết hợp với nuôi cá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, trong thời gian qua, việc sáp nhập, hợp nhất các HTX nhận được sự đồng thuận, vào cuộc của các cấp, các ngành, ban chỉ đạo kinh tế tập thể các huyện. Các đơn vị làm tốt là: Nho Quan, thành phố Tam Điệp, Yên Mô... Sau khi hợp nhất, sáp nhập số lượng các HTX giảm xuống nhưng chất lượng hoạt động của từng HTX được nâng lên nhờ các HTX có cơ hội mở rộng phạm vi hoạt động, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu hút thêm nhiều thành viên. Điển hình như HTX nông nghiệp Yên Bình (thành phố Tam Điệp), HTX Yên Hòa (huyện Yên Mô) sau khi hợp nhất đã mạnh dạn liên hệ, ký kết với các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp hỗ trợ giống, vốn, phân bón và liên kết với các doanh nghiệp thu mua các sản phẩm cho nông dân. Các HTX còn tích cực hưởng ứng các phong trào chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, phát triển sản xuất vụ đông, xây dựng nông thôn mới như chỉnh trang đồng ruộng, dồn điền, đổi thửa, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng... Một số HTX nông nghiệp có hoạt động tín dụng nội bộ, hoạt động linh hoạt đã góp phần hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cho các thành viên HTX. Doanh thu năm 2016 ước đạt 1,2 tỷ đồng/HTX; lợi nhuận ước đạt 52 triệu đồng/HTX; bình quân thu nhập lao động ước đạt 500.000 đồng/người/tháng.
Hướng phát triển trong thời gian tới
Xác định phát triển kinh tế hợp tác trong bối cảnh mới không phải chuyện một sớm một chiều. Vì vậy, vừa phải nâng mức sàn của các HTX, đồng thời kích thích phát triển những HTX tốp đầu ở các vùng sản xuất hàng hóa có thế mạnh.
Đồng chí Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho rằng: Từ chủ trương tổ chức lại HTX một cách thực chất, Liên minh HTX tỉnh tăng cường phối hợp với các sở, ngành thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 và hợp nhất, sáp nhập các HTX trên quy mô toàn xã. Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tư vấn, hỗ trợ như: tư vấn về quy trình, các bước trong quá trình chuyển đổi, tổ chức lại; hướng dẫn xây dựng Điều lệ, phương án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi, phù hợp với từng đơn vị; tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, thăm các mô hình điển hình cho đội ngũ cán bộ Ban chỉ đạo phát triển kinh tế cấp tỉnh, cấp huyện; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ HTX... Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực tuyên truyền nhằm nhân rộng mô hình các HTX hoạt động có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh việc tham quan, học hỏi giữa các HTX trong tỉnh với nhau tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các HTX trong tỉnh. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng không kém đó là tham mưu để có các chính sách hỗ trợ khu vực HTX từ Nhà nước; mặc dù còn có những khó khăn về nguồn lực, song việc tham mưu triển khai thực hiện Đề án số 22 của UBND tỉnh về phát triển kinh tế tập thể đã góp một phần rất quan trọng thúc đẩy việc chuyển đổi, củng cố các HTX, hỗ trợ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xúc tiến thương mại… cho các HTX phát triển
Tổ chức tốt công tác phối hợp với một số sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh, Liên minh HTX Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ... để huy động nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể và hỗ trợ ngày càng nhiều cho các đơn vị thành viên.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ HTX, tập trung bồi dưỡng kỹ năng quản lý, điều hành, nghiên cứu và dự báo thị trường cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn, đảm bảo đúng đối tượng theo kế hoạch của UBND tỉnh.
Phối hợp với các ngành, các tỉnh tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị liên kết... hỗ trợ các thành viên đẩy mạnh sự liên kết trong khu vực HTX và giữa HTX với các doanh nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tăng cường giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ các HTX trong tiêu thụ sản phẩm.
Tăng cường phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và các cơ quan chức năng liên quan giải quyết các đề xuất, kiến nghị, vướng mắc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các HTX, thành viên và người lao động trong các HTX.
Đinh Chúc