Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền, những năm vừa qua, xã đã có những thay đổi: Cuộc sống nhân dân được cải thiện, kinh tế phát triển, văn hóa có sự chuyển biến tích cực. Thông qua các dự án, chương trình hỗ trợ như: 135, 134..., hệ thống cơ sở hạ tầng trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, đường giao thông... được đầu tư xây dựng khang trang, tạo nên một diện mạo mới.
Tuy vậy, Cúc Phương vẫn còn khá nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao (khoảng 32%). Nguồn thu chỉ trông chờ vào trồng trọt và chăn nuôi, các ngành nghề khác hầu như không có nên bình quân thu nhập trong xã (quy ra thóc) mới chỉ đạt 300 - 350 kg/người/năm. Giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha đất canh tác đạt 25 triệu đồng/ năm.
Hiện nay, cây trồng chủ lực đảm bảo nguồn an ninh lương thực cho nhân dân trong xã chính là: ngô, sắn, khoai... và một số cây trồng khác như: mía, vải, cây ăn quả, rau đậu các loại. Trong tổng số 12.750 ha đất tự nhiên thì diện tích phục vụ cho sản xuất của toàn xã có gần 400 ha, gồm: 156 ha trồng ngô, 7 ha lúa, 46 ha lạc, 52 ha sắn, 103 ha mía, còn lại là các cây khác như khoai sọ, khoai lang...(tính theo diện tích gieo trồng của vụ đông xuân năm 2008). Do phụ thuộc vào thời tiết nên năng suất cây trồng trên địa bàn không cao, chỉ đạt khoảng 32,4 tạ/ ha đối với cây lúa, 38 tạ/ha đối với ngô, 16,2 tạ/ha đối với lạc, ...
Sản lượng lương thực của toàn xã trong 6 tháng đầu năm 2008 đạt 747 tấn. Đồng đất chủ yếu là đồi núi, không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, xã đã vận động nhân dân trong vùng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tập trung vào những con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao như nhím, hươu, ong, dê... Tổng đàn trâu của xã trên 440 con, đàn bò trên 650 con, đàn hươu 250 con, đàn nhím 300 con, đàn dê 740 con, 210 đàn ong, gần 2 nghìn con gia cầm, thủy cầm, lợn, thỏ.
Để giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân, điều trăn trở lớn nhất của cấp ủy, chính quyền nơi đây là tìm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế. Thực tế sản xuất ở xã cho thấy, việc duy trì các loại cây trồng rất bấp bênh, các cây chủ lực cũng khó trụ lại lâu với người dân. Năm 2004, xã đã tích cực phối hợp với Công ty mía đường Việt Nam - Đài Loan vận động nhân dân trồng 15 ha mía để cung cấp nguyên liệu cho Công ty. Bước đầu năng suất mía ước đạt 40 tấn/ha, giá trị đạt 3,8 triệu đồng/tấn, trong khi việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm đều do Công ty đứng ra nên nhiều hộ dân đã phấn khởi nhân ra diện rộng.
Đến năm 2007, toàn xã phát triển được 150 ha, nhưng đến đầu năm 2008, diện tích trồng mía đã giảm chỉ còn 103 ha. Đối với cây dứa và lạc tiên là những cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đầu năm 2006 xã đã vận động đưa vào trồng nhằm mở rộng vùng nguyên liệu cung cấp cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao nhưng người dân cũng không "mặn mà".
Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã đưa giống cây lạc tiên vào trồng thí điểm ở xã nhưng người dân không chú trọng chăm bón, làm giàn nên cây sinh trưởng, phát triển kém, không mang lại hiệu quả. Cây gấc cao sản cũng ở trong tình trạng đó. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 20 hộ, mỗi hộ 15 hốc gấc, nhưng đến nay toàn xã chỉ có 3 hộ duy trì và trồng thành công.
Một trong những nguyên nhân làm cản trở đến việc phát triển kinh tế ở Cúc Phương là sản xuất còn phụ thuộc rất nhiều vào "thiên thời". Với địa hình đồi núi, hàng năm khoảng 80% diện tích sản xuất thường xuyên thiếu nước, trong khi việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống nước tưới còn khó khăn, do vậy cây trồng ở đây phát triển chậm, năng suất thấp. Điều đó cũng làm cho một bộ phận người dân nản chí.
Từ thực tế đó, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế cần phải có sự bố trí giống cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật….
Qua khảo sát, xã đã có hướng phân thành 3 vùng sản xuất: Khu vực Đồng Tiến; khu vực thôn Nga và khu vực thôn Sấm để bố trí chuyển dịch cơ cấu cây, con nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn. Với khu vực Đồng Tiến và các thôn Nga 1, 2,3, xã sẽ vận động nhân dân đẩy mạnh sản xuất trên đất lúa màu bằng những giống cây con mới, đặc sản như ngô, lạc, nuôi hươu, nhím... ở khu vực thôn Sấm, vận động mở rộng diện tích trồng sắn, mía... có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các Công ty.
Để hướng phát triển này mang lại hiệu quả thiết thực rất cần sự chung sức đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào nơi đây và sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là trong việc xây dựng hệ thống tưới cho các vùng sản xuất nông nghiệp.
HoàngTâm