Trong câu chuyện với tôi, anh Tuyên kể nhiều về cuộc sống khó khăn trước đây và việc vượt khó vươn lên thoát nghèo đầy thử thách. Sinh năm 1971, sống trong một gia đình thuần nông, một nắng hai sương, "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cũng chỉ lo đủ được miệng ăn của mình.
Qua bao gian truân, thử thách, bươn chải với đủ các nghề nhưng nghề nào cũng chỉ làm được một thời gian rồi bỏ vì thiếu vốn và lời lãi chẳng được là bao. Là một thanh niên luôn mong muốn, khát khao thoát nghèo bằng lao động chân chính để đi lên, khiến anh nhiều đêm phải thức trắng trăn trở, suy tính…
Không cam chịu, anh đã quyết định đi học nghề mộc. Đến năm 1986, anh đã phát triển nghề nhưng quy mô còn nhỏ. Anh vừa làm vừa tích lũy vốn và kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời anh cũng tìm đến các lớp học khuyến nông, khuyến công cũng như qua phương tiện thông tin đại chúng, gia nhập vào các tổ chức giúp nhau làm kinh tế, mạnh dạn chuyển hướng sản xuất.
Đến năm 2001, anh Tuyên quyết định đầu tư mua đất dựng xưởng sản xuất trên diện tích 150 m2. Vào thời điểm này, xã Khánh Lợi đang khuyến khích các mô hình kinh tế phát triển xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Khi anh Tuyên có ý định mở rộng mô hình kinh tế làm nghề mộc dân dụng mọi người đã đồng tình hưởng ứng và tạo mọi điều kiện để anh đầu tư phát triển.
Anh đã được Hội nông dân xã, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay hơn 50 triệu đồng mở xưởng và mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất như: Máy cưa, máy bào… Các sản phẩm mộc dân dụng của anh sản xuất ra đáp ứng được thị hiếu của khách hàng, đem về tổng thu nhập cho gia đình anh trên 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn tạo việc làm cho 7 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng.
Trao đổi về dự định trong thời gian tới, anh cho biết sẽ mở rộng diện tích nhà xưởng, trang bị thêm máy móc, thiết bị, tạo thêm được việc làm cho nhiều lao động địa phương lúc nông nhàn.
Bài, ảnh: Đức Lam