Huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng Đồng chí Đỗ Trung Nam, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Ninh Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XX về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Thành ủy đã khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai trong toàn Đảng bộ Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết, quyết tâm đưa thành phố phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, BCH Đảng bộ thành phố đã ban hành 6 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có chương trình công tác số 3 tập trung cao cho việc "Đẩy mạnh công tác quản lý đô thị trên cả 3 lĩnh vực: quy hoạch đô thị, xây dựng và vận hành đô thị thành phố Ninh Bình giai đoạn 2015 - 2020; tập trung xây dựng có trọng điểm hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2015 - 2020".
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển thành phố Ninh Bình theo tiêu chí của đô thị loại 1, hướng tới thành phố du lịch văn minh, hiện đại, thành phố đã tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương, coi trọng nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp trên địa bàn và các nguồn lực khác trong nhân dân để đầu tư tiết kiệm, có hiệu quả vào các dự án nâng cấp, chỉnh trang đô thị, các công trình phúc lợi công cộng, phục vụ dân sinh, đó là: Dự án cải tạo và kè hồ Máy Xay, hồ Biển Bạch; dự án cải tạo công viên Thúy Sơn; dự án cải tạo nút giao thông, cảnh quan đầu cầu Lim, ngã tư Tràng An; dự án cải tạo cảnh quan hai bờ sông Vân đoạn từ cầu Vân Giang đến cầu Lim; đầu tư xây dựng cầu dân sinh qua sông Vân; thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng trong các khu dân cư...
Đặc biệt, trong năm 2016 và 2017 thành phố đã huy động được gần 200 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa để xây dựng tuyến đường Phạm Thận Duật, phường Ninh Sơn với chiều dài gần 4km, trị giá 94,9 tỷ đồng, trong đó nhân dân tự giải phóng mặt bằng và hiến đất làm đường; cải tạo hệ thống thoát nước, lát đá vỉa hè, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cây xanh, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc, điện chiếu sáng một số tuyến đường chính như: Đường Đinh Tiên Hoàng (16 tỷ đồng); đường Lê Hồng Phong (10,7 tỷ đồng); đường Lê Đại Hành (12 tỷ đồng); đường Lương Văn Thăng (12,4 tỷ đồng); đường Tràng An (36,9 tỷ đồng). Đây là các công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập thành phố và 25 năm tái lập tỉnh Ninh Bình, đồng thời cũng là công trình tạo điểm nhấn về công tác chỉnh trang đô thị trên địa bàn, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Quy hoạch đô thị cần đi trước một bước
Mặc dù đã có những tiến bộ, nhưng nhìn tổng thể, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trên thành phố Ninh Bình vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; công tác quy hoạch chưa thật sự đi trước một bước, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều mặt hạn chế; vốn đầu tư cho lĩnh vực này thường rất lớn nên việc bố trí đủ vốn để xây dựng đồng bộ là rất khó khăn; tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, bến bãi đỗ xe, hệ thống công viên, cây xanh, thảm cỏ còn thiếu nhiều...
Thực tế cho thấy, quá trình đô thị hóa phát triển mạnh khi chưa có quy hoạch chi tiết đã dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, nguồn nước thải ô nhiễm chưa được xử lý triệt để; việc thu gom rác thải sinh hoạt vẫn còn những bất cập, việc phân loại, tái chế sử dụng chưa thực hiện được, một số vị trí tập kết rác trong khu dân cư không hợp lý gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân...
Bên cạnh đó, một số cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý đô thị từ thành phố đến các xã, phường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Một số xã, phường chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, do đó vẫn còn tình trạng đào đường, đào vỉa hè tùy tiện gây nên sự chắp vá, việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng để sản xuất, kinh doanh; tình trạng quảng cáo rao vặt in, dán tùy tiện; hệ thống cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc còn có những bất cập; hệ thống cây xanh chưa bảo đảm yêu cầu về tiêu chuẩn cây xanh đô thị, hầu hết đều do nhân dân tự trồng không đúng chủng loại, kích thước và vị trí không đồng đều, không theo quy hoạch; hệ thống điện chiếu sáng lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu chiếu sáng đô thị... đã ảnh hưởng rất lớn đến diện mạo đô thị của thành phố.
Với chức năng là thành phố du lịch nhưng hiện tại kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, dịch vụ của thành phố Ninh Bình vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống nhà hàng, khách sạn hầu hết phát triển manh mún, nhỏ lẻ; chưa có tuyến phố đi bộ và mua sắm; chưa có các khu vui chơi, giải trí xứng tầm nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, chưa giữ chân được du khách nên lượng khách du lịch lưu trú trên địa bàn còn hạn chế.
Cũng theo đồng chí Đỗ Trung Nam, để xây dựng đô thị thành phố Ninh Bình trở thành một đô thị văn minh, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU, trong thời gian tới thành phố Ninh Bình cần coi trọng và nâng cao chất lượng quy hoạch vì trong quản lý đô thị, công tác quy hoạch phải được ưu tiên đầu tư đi trước một bước, là tiền đề để định hướng và bảo đảm tính đồng bộ trong quá trình xây dựng và phát triển cũng như cải tạo và chỉnh trang đô thị, công tác quy hoạch phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo, sát với tình hình thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, thật sự trở thành nền tảng cho việc tạo dựng nguồn lực phát triển cho thành phố.
Tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, nội lực trong nhân dân, thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư cho phát triển đô thị để tập trung đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm nâng cao chất lượng, môi trường sống cho nhân dân thành phố.
Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho 3 xã: Ninh Tiến, Ninh Nhất, Ninh Phúc theo tiêu chí phường. Làm tốt công tác thu hút đầu tư để chuyển đổi mô hình hoạt động của các chợ trên địa bàn; quan tâm, chú trọng đến các công trình hạ tầng về cấp thoát nước, xử lý rác thải, đường giao thông, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng, các khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng.
Nguyễn Thơm