Vừa thiếu, vừa lộn xộn Trong những năm qua, không thể phủ nhận cây xanh đô thị đã được thành phố quan tâm đầu tư. Một số con đường khang trang, xanh và đẹp hẳn lên nhờ những thảm cỏ, hàng cây được trồng bài bản, chăm sóc tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều tuyến đường chưa có các dãy cây xanh liên tục, đủ chiều cao cho bóng mát, một số đường có "thâm niên" về độ tuổi cây song lại khá tạp nham. Ngoài ra còn có tình trạng rễ cây ăn lên, làm phá hỏng hè phố. Đó là chưa kể chúng ta còn thiếu công viên, vườn hoa, khu vui chơi sinh thái, kể cả mảng xanh khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở…
Cụ thể, trên tuyến đường Lê Đại Hành (phường Thanh Bình), hệ thống cây xanh hai bên vỉa hè hết sức lộn xộn. Cây thì trồng ra ngoài mé đường, cây thì lùi sâu vào sát nhà dân; chủng loại thì vô cùng đa dạng, nào bàng, sấu, hoa sữa, xà cừ, trứng cá… Tuyến đường Tràng An, phường Đông Thành về phía Nhà thi đấu TDTT tỉnh thì chủ yếu là cây hoa sữa và cây sấu, các cây này khá đồng đều và thẳng hàng.
Tuy nhiên, một vài chỗ do cây bị chết hay lý do nào đó mà bồn cây thì có nhưng cây xanh thì không nên người dân tận dụng để trồng rau. Đó là các tuyến đường cũ. Còn tại các khu đô thị mới, mặc dù một số khu đã hoàn thành nhiều năm nay nhưng vẫn trong cảnh vắng bóng cây xanh, chỗ nào người dân xây nhà rồi thì mới có lác đác vài ba cây xanh.
Tại khu Tiền Đồng (phố Khánh Bình, phường Ninh Khánh) một số hộ có điều kiện đưa các cây xanh lớn, quý hiếm như vạn tuế, vú sữa, cau vua, bồ quân, sanh về trồng trước nhà. Những cây này đẹp nhưng không đảm bảo được tính mỹ quan chung cho đô thị.
Theo một cán bộ Phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Ninh Bình: Từ trước đến nay, khi triển khai đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng các khu dân cư mới hầu như không có hạng mục cây xanh công cộng, mà người dân phải tự trồng. Thậm chí, hiện nay thành phố cũng không có kinh phí cho việc trồng mới cây xanh đường phố mà chỉ có một phần kinh phí rất nhỏ dành cho việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống cây xanh đã có (cắt tỉa, thay thế các cây bị sâu, chết).
Khảo sát mới đây của Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn thì hiện tại thành phố Ninh Bình có tất cả 290 tuyến đường nhưng chỉ có 40 tuyến đường có cây xanh. Tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên đầu người hiện nay của thành phố mới đạt 2,6 m2/người (trong khi đó tiêu chuẩn là 5-6 m2/người).
Sẽ sớm có quy hoạch
Vào dịp cuối năm 2016 vừa qua, để làm mới, chỉnh trang lại đô thị, hàng loạt cây xanh trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng đã được di dời, chặt bỏ để thay thế bằng 1 chủng loại cây duy nhất, kèm với đó là việc lát lại vỉa hè, thu gọn đường dây điện, cáp viễn thông. Con phố trở nên khang trang, sạch đẹp hơn. ý kiến của nhiều người dân đều phấn khởi đồng tình với sự thay đổi này.
Tuy nhiên, trong tiến trình làm thay đổi bộ mặt của đô thị, nhiều người vẫn băn khoăn liệu có giải pháp nào khả thi hơn để không phải chặt bỏ cây xanh? Bởi chặt đi phải mất hàng chục năm mới gây dựng được. Hàng năm mỗi dịp xuân về chúng ta vẫn đang phát động Tết trồng cây với hàng triệu cây phân tán được trồng, trong đó có cả cây xanh đường phố.
Nhưng nếu chúng ta cứ trồng mà không có quy hoạch, không có sự tính toán một cách nghiêm túc và khoa học thì có ai dám chắc các cây xanh đó sẽ không bị chặt hạ để thay đổi trong vài năm tới.
Đã đến lúc, chúng ta cần nhìn nhận lại và xây dựng quy hoạch cây xanh đô thị của Ninh Bình một cách bài bản, xác định một số loại cây phù hợp, tạo nét riêng cho thành phố để trồng và giữ lại lâu dài.
Ông Phạm Hồng Khanh, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Không chỉ Ninh Bình mà tất cả đô thị ở Việt Nam đều vướng mắc trong quy hoạch cây xanh, tỷ lệ cây xanh chưa đạt yêu cầu, chưa có chiến lược dài hạn trong phát triển cây xanh, không biết chọn cây nào hoặc nhóm cây nào, trồng ở đâu? Để giải quyết vấn đề này, mới đây Sở Xây dựng đã tham mưu, đề xuất và được UBND tỉnh giao nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh trong đô thị Ninh Bình giai đoạn 2016-2025.
Mục tiêu là xây dựng hệ thống cây xanh đô thị hợp lý, tạo cảnh quan sạch đẹp, tạo hình ảnh đặc trưng cho đô thị, tăng độ che phủ, bảo vệ và cải tạo môi trường đô thị cũng như giao thông đô thị.
Hiện nay, Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn khẩn trương triển khai các bước như: Đánh giá lại hiện trạng cây xanh đô thị của thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư và các địa phương khác nằm trong ranh giới quy hoạch chung đô thị Ninh Bình và tiềm năng đất đai cho phát triển cây xanh đường phố. Xác định cơ sở, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật công tác quy hoạch cây xanh và cây xanh đường phố, cây xanh cảnh quan, công viên theo mục đích, yêu cầu đặt ra.
Bên cạnh đó, lấy ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến cây xanh từ nuôi trồng, cảnh quan, khí hậu, kiến trúc, quy hoạch, quản lý…
Nhìn chung, quy hoạch cây xanh hoàn thiện sẽ giúp giải quyết tốt các công việc từ chọn loài, sắp xếp chủng loại cây trồng cho từng không gian cho đến chỉnh trang cây xanh trên các tuyến đường cũ như thế nào, quản lý ra sao.
Nguyễn Lựu