Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nghề thêu ren truyền thống Văn Lâm, chị Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Doanh nghiệp thêu Minh Trang tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư đã ấp ủ ý tưởng phát triển, làm giàu từ chính nghề thêu ren truyền thống của gia đình. Với lòng yêu nghề và quyết tâm phát triển với nghề, chị đã dành nhiều công sức cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của mình. Chị cho biết: Làng thêu Văn Lâm có từ 700 năm. Đến nay cũng đã mai một nhiều, nhưng chính bằng lòng yêu nghề và sự hỗ trợ khuyến khích của các cấp chính quyền địa phương nên tôi đã cố gắng duy trì nghề.
Cũng như chị Yến, người dân Văn Lâm hiện nay đang tập trung phát triển nghề thêu kết hợp với phục vụ du lịch ngay tại quê hương mình đó là khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Xác định phát triển nghề truyền thống là mục tiêu chính, việc quảng bá các sản phẩm qua khách du lịch, gắn du lịch với làng nghề đã và đang được các doanh nghiệp bước đầu thực hiện hiệu quả.
Đồng thời các doanh nghiệp cũng không ngừng tham gia quảng bá thương hiệu, sản phẩm tại các hội chợ trong nước và quốc tế. Các sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia… được khách hàng đánh giá cao về cả chất lượng và mẫu mã.
Đối với các hộ gia đình làm nghề đơn lẻ, họ làm ra sản phẩm và đem bán cho khách du lịch. Đối với các doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu thông qua các hợp đồng ký kết với các đối tác nước ngoài. Các doanh nghiệp không chỉ mở xưởng sản xuất tại địa phương mà còn thông qua các hình thức hợp tác như gia công, tổ chức nhiều điểm sản xuất ở các địa phương trong và ngoài huyện. Hướng đi này không chỉ nhằm đảm bảo tiến độ, thời gian, số lượng hàng cho khách mà còn giải quyết việc làm cho người dân địa phương trong thời điểm nông nhàn.
Việc tận dụng sản phẩm địa phương vừa thân thiện với môi trường mà giá thành lại rẻ khiến người tiêu dùng nước ngoài, nhất là các nước châu Âu ưa chuộng. Trên địa bàn huyện Kim Sơn đã hình thành nhiều cơ sở chế biến cói, tạo việc làm và thu nhập, góp phần từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương. Với nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, các doanh nghiệp, cơ sở tham gia sản xuất các sản phẩm từ cói, bèo bồng, bẹ chuối đã từng bước đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới cách quản lý, đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động.
Ông Đoàn Lan, Giám đốc doanh nghiệp cói Đổi Mới (Kim Sơn) cho biết: Trong thời kỳ suy giảm kinh tế, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm những mặt hàng giá thành thấp thân thiện với môi trường và có độ bền cao. Các doanh nghiệp thường xuyên trao đổi về mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời việc xây dựng cơ sở vật chất nhà xưởng, trang thiết bị tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế cũng được các doanh nghiệp chú trọng.
Phát triển ngành nghề ở nông thôn Ninh Bình đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn, giá trị sản xuất công nghiệp ở nông thôn chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương. Nhiều doanh nghiệp còn được hưởng nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công đã tổ chức đào tạo nghề tại chỗ nhằm nâng cao nguồn lực cho sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp nông thôn.
Ông Đặng Văn Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thanh Hóa (Yên Khánh) cho biết: Khuyến công Ninh Bình hàng năm đã hỗ trợ dạy nghề cho lao động của Công ty; hỗ trợ kinh phí cho đầu tư thiết bị sấy và quảng bá cho thương hiệu sản phẩm. Vì thế, trong những năm qua Công ty luôn nghiên cứu, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống cho người lao động.
Năm 2018, Bộ Công thương và HĐND tỉnh đã thông qua tổng kinh phí hỗ trợ cho chương trình khuyến công của tỉnh 4.045 triệu đồng, hỗ trợ cho 38 đề án, trong đó kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia 200 triệu đồng, hỗ trợ thực hiện 1 đề án; kế hoạch kinh phí khuyến công địa phương giao thực hiện 3.845 triệu đồng, hỗ trợ cho 37 đề án. 6 tháng đầu năm, có 25 đề án đã có báo cáo tiến độ và triển khai đề án được trên 70% khối lượng công việc. Còn lại 12 đề án đang tiếp tục triển khai.
Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, tập trung hỗ trợ chủ yếu vào các đề án của doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng, mua sắm máy móc thiết bị để nâng cao sản xuất, chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho lao động. Từ các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp nghề truyền thống ở Ninh Bình đã tiếp cận thêm nhiều thị trường xuất khẩu mới như: Mỹ, Đan Mạch, ấn Độ…
Cách thức giao kết trong kinh doanh xuất khẩu sản phẩm TTCN cũng có nhiều đổi mới, phù hợp trong quá trình hội nhập kinh tế Quốc tế, trong đó hình thức giao kết thương mại điện tử được Sở Công thương Ninh Bình chuyển giao, ứng dụng thực hiện, quy trình làm ra sản phẩm chất lượng cao cũng có nhiều đổi mới, đáp ứng quy chuẩn quốc tế và yêu cầu của thị trường tại các nước nhập khẩu…
Có thể thấy, những tiềm năng, thế mạnh, vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị lịch sử và văn hóa, cùng các ngành nghề truyền thống riêng có của vùng đất Hoa Lư - Ninh Bình chính là những tác nhân để duy trì, phát triển và bảo tồn các ngành nghề TTCN truyền thống, gắn kết thúc đẩy phát triển thêm nhiều các sản phẩm độc đáo phục vụ ngành du lịch của Ninh Bình trong giai đoạn mới như loại hình du lịch đồng quê, trải nghiệm cuộc sống, sinh hoạt tại làng nghề cho du khách...
Nguyễn Thu Hương