Bộ môn khiêu vũ được chia làm 2 loại: khiêu vũ nghệ thuật (còn gọi là khiêu vũ giao tiếp hay cổ điển) và khiêu vũ thể thao. Khiêu vũ nghệ thuật gồm những điệu đơn giản, nhẹ nhàng như tango, boston, bebop, twist, valse... Trong khi đó, khiêu vũ thể thao đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao, gồm các điệu nhảy như: chachacha, samba, rumba, pasodoble, jive…
Lúc đầu khi mới du nhập vào Ninh Bình, khiêu vũ được mặc định gắn cho đối tượng là những người có điều kiện và thừa thời gian.
Nhưng dần dần, quan niệm ấy đã thay đổi khi bộ môn khiêu vũ ngày càng khẳng định được lợi ích về mặt sức khỏe cũng như tinh thần mà nó mang lại, ngày càng "tiệm cận" gần hơn với nhiều loại đối tượng.
Đã có những cơ quan mời huấn luyện viên về dạy khiêu vũ cho tất cả cán bộ công nhân viên có nhu cầu; có những trường học đưa vũ điệu sôi động của điệu cha cha cha tới các em nhỏ như trường Tiểu học Thanh Bình, trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Thành phố Ninh Bình) và được phụ huynh cũng như học sinh hưởng ứng cao.
Còn tại Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh thì các lớp học Dancesport cho thiếu nhi được duy trì đều đặn với số lượng các em nhỏ tham gia tương đối đông và đều, nhất là trong dịp hè.
Thầy Nam Anh, 1 Huấn luyện viên Dancesport trên địa bàn Thành phố Ninh Bình cho biết: Khiêu vũ không chỉ đem lại sức khỏe, sự dẻo dai, mà còn như một "món ăn tinh thần" mang lại niềm vui, sự tự tin trước đám đông. Nhiều bạn tập khiêu vũ để giảm cân, để có vóc dáng đẹp; nhiều người tập để có thể tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ tại cơ quan; nhiều người tập để chữa một số bệnh về thần kinh, cột sống.
Còn với các bạn trẻ thì khiêu vũ như một trải nghiệm mới, các bạn có thể sáng tạo trong kết hợp các điệu nhảy, bài nhảy. Với các em nhỏ thì học khiêu vũ là rèn luyện sự kiên trì, chăm chỉ, nâng cao thể lực, tạo sân chơi để các em có điều kiện giao lưu. Tùy từng đối tượng mà mỗi huấn luyện viên như tôi có phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Cứ tầm 7 giờ tối, nhất là chủ nhật, không khí ở Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh lại trở nên sôi nổi bởi sự có mặt của các học viên khiêu vũ. Khi nhạc bắt đầu vang lên, các đôi nhảy nhẹ nhàng di chuyển theo từng điệu nhạc, lúc thì cuồng nhiệt với điệu samba, sôi động với điệu chachacha nhưng cũng có lúc nhẹ nhàng với điệu twist hoặc say đắm trong điệu rumba ngọt ngào.
Gặp anh Đàm Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu nhi tỉnh, đồng thời cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ khiêu vũ ở đây khi vừa kết thúc điệu rumba, anh cho biết: Mặc dù đã nhuần nhuyễn khá nhiều điệu nhảy nhưng tôi vẫn tham gia CLB để giao lưu, kết bạn.
Khi đến với khiêu vũ và tham gia nhảy với mọi người tôi thấy khỏe khoắn và thoải mái tinh thần, giảm stress sau những giờ tập luyện vất vả". Còn chị Nguyễn Thị Dung (phường Ninh Sơn, Thành phố Ninh Bình) tâm sự: Những ngày đầu luyện tập, mình cũng gặp một số khó khăn nhất định.
Tuy nhiên, khi đã yêu thích thì khó mấy cũng vượt qua. Từ ngày học khiêu vũ, cơ thể mình cũng dẻo dai hơn, vóc dáng cũng thon gọn hơn nên mình tham gia tập luyện đều đặn và ngày càng thấy say mê hơn. Là doanh nhân rất bận rộn nhưng mình cũng cố gắng thu xếp để duy trì đều đặn các buổi học. Mình cũng tự tin rất nhiều khi tham gia các hoạt động giao lưu với các tỉnh bạn bởi hầu hết ở các buổi giao lưu đều có khiêu vũ.
Học phí cho mỗi lớp khiêu vũ trung bình từ 300 đến 500 nghìn đồng/tháng và chỉ cần học 3 tháng với cường độ 3 buổi/tuần là người học có thể thành thạo những điệu nhảy cơ bản nên nhiều người, nhiều đối tượng có thể tham gia. để bộ môn khiêu vũ phát triển trở thành một môn thể dục rèn luyện thân thể cần có sự phối hợp, quản lý của các cơ quan chức năng để duy trì sự phát triển lâu dài cho một bộ môn thể thao nghệ thuật được cả thế giới công nhận.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh