Toàn tỉnh hiện có 260/261 HTX đã chuyển đổi hình thức tổ chức và hoạt động theo Luật HTX, 178 HTX đã có giấy đăng ký kinh doanh. Hầu hết các HTX đều đảm nhận tốt các khâu quan trọng như dịch vụ tưới, tiêu thủy lợi nội đồng, BVTV, chuyển giao khoa học kỹ thuật… Một số HTX đã mạnh dạn tổ chức kinh doanh đa dịch vụ, khai thác và phát huy thế mạnh của từng địa phương, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động. Điển hình như HTX Phương Đông (huyện Gia Viễn), HTX Ninh Thắng (huyện Hoa Lư), HTX Hợp Tiến, (xã Khánh Nhạc), HTX Đức Long (huyện Nho Quan). Những HTX đó bước đầu đã thể hiện vai trò là "bà đỡ" cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng HTX nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Ông Phạm Hồng Sơn, Chi cục phó Chi cục PTNT cho biết: Ngoài một số HTX khá, trung bình phát huy vai trò và có tác dụng tốt số còn lại chỉ tồn tại do ràng buộc với một số dịch vụ thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp mà hộ nông dân không làm được như tưới, tiêu thủy lợi nội đồng, bảo vệ sản xuất… còn các vật tư phục vụ sản xuất như giống, phân bón, thuốc BVTV bà con vẫn phải tự mua ngoài thị trường tự do với giá cả và chất lượng không được đảm bảo, sản phẩm của xã viên làm ra thì "chạy chợ" bán hàng ngày.
Theo thống kê, hiện nay bình quân mỗi HTX chỉ thực hiện được 4,1 khâu dịch vụ, các dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, làm đất chỉ có 86-160/239 HTX thực hiện. Về dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ có 8-18/258 HTX thực hiện. Có 22 HTX hầu như không thực hiện được khâu dịch vụ nào.
Có thể đưa ra ba nguyên nhân chính của tình trạng trên. Thứ nhất là do nhận thức về HTX kiểu mới và Luật HTX của hầu hết cán bộ cơ sở và nông dân chưa thấu đáo. Việc chuyển đổi và thành lập mới HTX còn mang nặng tính hình thức và thiếu những mô hình hoạt động có hiệu quả.
Nguyên nhân thứ hai là vốn và cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém. Tổng số vốn của 237 HTX có báo cáo tài chính là 191.840 triệu đồng, bình quân 809 triệu đồng/HTX, trong đó số vốn lưu động là 76.176 triệu đồng (chiếm gần 40%), bình quân đạt 321 triệu đồng/HTX. Tuy nhiên, trong đó số nợ phải thu chiếm tỷ lệ lớn. Hầu hết các HTX không huy động thêm vốn góp của xã viên để bổ sung vốn cho HTX. Do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân thứ ba là do trình độ cán bộ quản lý HTX còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX hầu hết hoạt động theo kinh nghiệm, không được đào tạo cơ bản, ít được bồi dưỡng tập huấn. Mặt khác, năng lực nắm bắt thông tin, khả năng dự báo thị trường, sự nhạy cảm, linh hoạt để đáp ứng trước những yêu cầu đa dạng, phức tạp của cơ chế thị trường của cán bộ quản lý HTX còn nhiều hạn chế.
Thực tiễn đã chứng minh, xu thế sản xuất của các hộ nông dân nhỏ, tự chủ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong môi trường cạnh tranh. Vì vậy việc chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, tăng quy mô sản xuất, tập hợp nông dân vào trong một tổ chức kinh tế tập thể (HTX) là một yêu cầu khách quan của sự phát triển. Đây sẽ động lực cơ bản để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất trên mọi phương diện cho người nông dân và đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chi cục phát triển nông thôn cũng cho rằng: Để kinh tế HTX phát triển trước tiên cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của HTX trong quá trình thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, từ đó dành sự quan tâm đầu tư thích đáng cho HTX. Đồng thời tổ chức các buổi giới thiệu và tham quan các mô hình kinh tế HTX kiểu mới giúp nông dân nhận thức rõ được quyền lợi và nghĩa vụ và tự nguyện tham gia vào HTX. Nhà nước cũng cần bổ sung, ban hành thêm một số chính sách và thực hiện một số giải pháp mang tính hỗ trợ về kinh tế tập thể như: giao đất hoặc cho thuê ưu đãi, đồng thời hỗ trợ kinh phí để các HTX xây dựng trụ sở làm việc, kho tàng, từ đó mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động. Mở rộng hình thức vay tín dụng với HTX; hỗ trợ đào tạo cán bộ HTX có trình độ trung cấp trở lên và đảm bảo chế độ lương, BHXH cho họ.
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, Ninh Bình đang dồn mọi nguồn lực đầu tư vào nông thôn, trong đó HTX đóng vai trò chủ đạo. Năm 2011, UBND tỉnh có kế hoạch hỗ trợ 1,2 tỷ đồng cho 6 HTX mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao số lượng và chất lượng hoạt động dịch vụ của các HTX. Đây là một trong những động lực để các HTX nông nghiệp phát huy vai trò của mình trong xây dựng NTM.
Hà Phương