Trong bối cảnh đó, Nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo và đã tạo nên những bước đột phá, sự chuyển biến mạnh trong sản xuất nông nghiệp.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của các cấp lãnh đạo; sự nỗ lực cố gắng, tích cực, chủ động tham mưu có hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh từ ban hành các cơ chế, chính sách đến chỉ đạo sản xuất trên tất cả các lĩnh vực của ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản và phát triển nông thôn.
Đến nay, ngành Nông nghiệp đã có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, nổi bật là những kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung toàn tỉnh.
Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp ngày càng tiên tiến. Từ một tỉnh thiếu lương thực đã vươn lên đảm bảo an ninh lương thực, có dự trữ và sản xuất hàng hóa. Diện tích trồng lúa hai vụ luôn được duy trì 80.000 ha, liên tục nhiều năm nay được mùa, năng suất và sản lượng các năm đều tăng.
Cơ cấu cây trồng từng bước được chuyển đổi, hàng nghìn ha đất trồng cây có giá trị kinh tế thấp được chuyển sang các loại cây có giá trị kinh tế cao. Cơ cấu giống có chuyển biến tích cực theo hướng tăng diện tích lúa thuần, giảm diện tích lúa lai và đặc biệt là diện tích lúa chất lượng cao được mở rộng, năm 2015 toàn tỉnh có gần 40.000ha diện tích lúa chất lượng cao. Đã xuất hiện mô hình "cánh đồng mẫu lớn" và đưa cơ giới vào đồng ruộng ở nhiều địa phương.
Các hình thức liên kết, hợp tác giữa nhà khoa học, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tăng cường. Cây trồng vụ đông được đa dạng hơn, tập trung chủ yếu là các cây có hiệu quả kinh tế và thị trường tiêu thụ.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng nguyên liệu chuyên canh gắn cơ sở chế biến với thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhất là những hàng hóa nông sản, thực phẩm chế biến để xuất khẩu như: Nuôi tôm, cua biển ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn; trồng dứa, mía ở Nho Quan và Tam Điệp.
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội. Trong sản xuất nông nghiệp đã đưa dần sử dụng phân bón vi sinh, phân hữu cơ để cải tạo đất và môi trường sống, giảm dần sử dụng phân bón hóa học, tiến tới sản xuất nông nghiệp sạch, phát triển nông nghiệp bền vững.
Chăn nuôi phát triển khá toàn diện, theo hướng có hiệu quả hơn, đã có nhiều trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Quy mô gia súc, gia cầm chuyển dịch hợp lý hơn. Chất lượng, giá trị con nuôi được nâng cao, đã mở rộng chăn nuôi theo hướng con nuôi đặc sản (như: hươu, nhím ...). Công tác thú y đã có nhiều cố gắng, làm tốt công tác phòng chống, dập dịch khi xảy ra các loại dịch, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
Thủy sản phát triển nhanh cả về nuôi trồng và đánh bắt, cả về diện tích, năng suất và sản lượng. Diện tích nuôi trồng thủy sản luôn duy trì khoảng 11.000 ha. Bước đầu khai thác hiệu quả vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn một số sản phẩm như: Nuôi tôm sú, cua, ngao…
Ngành có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển trồng rừng. Lực lượng chức năng đã thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng, trồng rừng ngập mặn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai có hiệu quả, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 20%. Dự án xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại huyện Nho Quan đang tích cực triển khai sẽ góp phần điều chỉnh định hướng phát triển ngành Nông nghiệp sang hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái.
Công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã dần bám sát nhu cầu của nông dân. Chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn được triển khai và thực hiện tốt, đã đưa gần 100 học viên tham gia lao động, học tập tại Israel để tiếp cận và học ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thủy lợi, đê điều và phòng chống lụt bão, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thủy lợi, cán bộ thủy lợi luôn bám sát thời vụ, vận hành hệ thống công trình để đảm bảo phục vụ đủ nước cho sản xuất; luôn chủ động phương án phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, phòng hộ đê toàn tuyến và các hồ, đập trên toàn tỉnh; chuẩn bị đủ các phương tiện hộ đê, đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Chương trình cấp nước và vệ sinh nông thôn đã tạo ra sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn tỉnh đã có 82 công trình cấp nước tập trung hoạt động, đưa tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nông thôn đạt 91%.
Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, Ngành đã chủ động tham mưu cho tỉnh cơ chế, chính sách phát triển trang trại, gia trại, kinh tế tập thể để làm nền móng phát triển ngành Nông nghiệp bền vững. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ngành đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2015 có 40 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Cùng với phát triển ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác xây dựng Đảng được tập trung chỉ đạo toàn diện gắn với đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đảng bộ Ngành luôn chú trọng công tác xây dựng cơ quan, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong sạch, vững mạnh, từng bước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.
Với truyền thống đoàn kết, lao động, sáng tạo, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ và những thành tích đạt được, trong những năm qua nhiều tập thể, cá nhân của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ tặng nhiều Huân chương cao quý và các phần thưởng vinh dự như: Huân chương độc lập hạng Nhì, cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ...
Để tiếp tục phát huy truyền thống của Ngành, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn không ngừng học tập, lao động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt là khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xây dựng ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn vững mạnh.
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ninh Bình sẽ tập trung: Làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp toàn diện; lồng ghép các nguồn lực phát triển từng lĩnh vực của ngành trên cơ sở đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách cho sản xuất, đổi mới thể chế, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, doanh nhân các thành phần kinh tế làm ăn có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; cải cách bộ máy hành chính để ngày càng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo ra các giống cây, con mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật làm cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực; từng bước thay đổi tư duy cũ và hình thành tư duy mới để sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn; khai thác có hiệu quả gắn với nuôi trồng thủy sản vùng kinh tế ven biển của tỉnh; sử dụng hợp lý các nguồn vốn, đầu tư theo đúng quy hoạch, cơ cấu đầu tư phù hợp với cơ cấu ngành; nâng cấp và kiên cố hóa hệ thống đê sông, đê biển, công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, bão, lũ; quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ buôn bán giống cây, con, phân bón, thuốc trừ sâu, thú y và vật tư nông nghiệp trên địa bàn; từng bước hình thành và phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trên địa bàn nông thôn; chú trọng công tác dự báo thị trường để người nông dân có thông tin và chủ động trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, làm nền tảng phát triển nông nghiệp toàn diện; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh; thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực quản lý và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Với những thành tích đã đạt được trong suốt 70 năm qua, tập thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã khẳng định rõ được vai trò, vị trí của ngành trong việc phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, với tinh thần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, lao động, sáng tạo, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã được giao tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI với mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, ứng dụng nhanh khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng cường liên kết giữa kinh tế hộ, doanh nghiệp và thị trường, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp.
Vũ Nam Tiến(TUV, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT)