Việc ra đời của tờ báo Thanh Niên, khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam được gắn liền với tên tuổi và công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc. Trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của mình, Người luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén, là phương tiện đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nói "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng" " cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ". Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã viết nhiều bài báo nhằm lên án chủ nghĩa thực dân, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, tuyên truyền đường lối cách mạng Việt Nam, thức tỉnh lòng yêu nước, kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết đứng lên chống kẻ thù, đem lại hòa bình, ấm no cho dân tộc mình. Từ khi Đảng ta ra đời, được sự quan tâm, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, trước đòi hỏi ngày càng cao của phong trào cách mạng trong nước, báo chí cách mạng Việt Nam đã từng bước trưởng thành, phát triển, luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng chính trị, tư tưởng, lấy phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao cả của mình. Tôn chỉ cao nhất của báo chí cách mạng Việt Nam là góp phần vào sự nghiệp đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, xóa bỏ các hình thức bóc lột, giành độc lập dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước theo con đường XHCN. Mang trên mình sứ mệnh cao quý ấy, nhiều thế hệ nhà báo đã không quản ngại hy sinh gian khổ, dấn thân vào cuộc trường chinh giữ nước, đem hết nhiệt huyết, tâm sức phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, đã có hàng trăm nhà báo hy sinh nơi chiến trường, để lại cho nền báo chí cách mạng và thế hệ sau những bài báo, tấm hình, thước phim tư liệu vô cùng quý giá, khắc họa rõ nét chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trải qua 90 năm dựng xây và phát triển. Có thể nói, đó là một chặng đường vô cùng vẻ vang nhưng cũng đầy gian nan, thử thách. Ôn lại truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta càng thêm trân trọng những công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ người làm báo đi trước. Họ thực sự là những người thư ký trung thành của thời đại, nhờ đó mà lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý chí vượt khó của người Việt Nam luôn được hâm nóng, lan truyền, tỏa sáng qua các thời kỳ cách mạng, góp phần cùng dân tộc Việt Nam viết nên những trang sử hào hùng, oanh liệt.
Kế thừa và phát huy truyền thống của Báo chí Cách mạng Việt Nam, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự tin tưởng, yêu mến của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, báo chí Ninh Bình tiếp tục thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng.
Hiện, Báo chí Ninh Bình có 2 cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đó là Báo Ninh Bình và Đài PT-TH Ninh Bình. Ngoài ra còn có các cơ quan báo chí T.Ư thường trú hoặc đại diện ở Ninh Bình, như Báo Nhân dân, Phân xã -Thông tấn xã Việt Nam, Báo Thanh tra. So với giai đoạn trước, báo chí Ninh Bình những năm gần đây đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Đội ngũ người làm báo ngày càng được bổ sung, trẻ hóa, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá, cơ bản đáp ứng được yêu cầu trong tình hình và nhiệm vụ mới. Các cơ quan báo chí của tỉnh được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện hoạt động. Ngoài báo giấy, báo hình, báo phát thanh, chúng ta đã có thêm loại hình Báo điện tử. Báo Ninh Bình từ xuất bản 2 đến 3 kỳ/tuần, khổ nhỏ, in đen trắng, đến nay đã phát hành 6 kỳ/tuần, trong đó số cuối tuần in khổ vừa, 12 trang; các số báo đều in 4 màu, số lượng in hơn 10.000 tờ/kỳ, gấp 4 lần so với ngày tái lập tỉnh, đáp ứng được quy hoạch phát triển mạng lưới báo chí đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trang Thông tin điện tử tổng hợp của Báo được đầu tư, nâng cấp cả về trang thiết bị và giao diện, có trang Tiếng Việt và Tiếng Anh. Đài PT-TH Ninh Bình cũng được đầu tư đáng kể, đảm bảo phục vụ sản xuất chương trình truyền hình trực tiếp và thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp, phát sóng chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, đảm bảo 98% địa bàn dân cư được phủ sóng truyền hình, 100% địa bàn được phủ sóng phát thanh. Nhiều công nghệ hiện đại đã được triển khai ứng dụng trong quá trình sản xuất chương trình và phát sóng. Đã thực hiện phát sóng truyền hình trên vệ tinh và trên cáp SCTV đạt 18,5 giờ/ngày; phát sóng phát thanh đạt 5 giờ/ngày. Mới đây, Đài PT-TH tỉnh đã ra mắt trang thông tin điện tử tổng hợp nhằm đa dạng hóa các loại hình thông tin tới bạn đọc, từng bước chuyên nghiệp hơn trong quá trình hội nhập và phát triển.
Những năm qua, báo chí của tỉnh luôn giữ vững định hướng chính trị, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, là cầu nối tin cậy giữa Đảng với nhân dân, là kênh thông tin chính thống, tin cậy của tỉnh với bạn bè trong nước và quốc tế. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí Ninh Bình đã tuyên truyền tập trung, có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nhiều vấn đề tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm và đạt hiệu quả cao như: Tuyên truyền về chuyển dịch cơ cấu kinh tế; công tác xây dựng Đảng; vấn đề CNH,HĐH nông nghiệp nông thôn; xây dựng nông thôn mới; thu ngân sách; phát triển kinh tế du lịch; thu hút đầu tư… Nhiều sự kiện chính trị, các chuyên đề, chuyên mục được tập trung tuyên truyền và duy trì thường xuyên, đem lại hiệu ứng xã hội cao, như chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tuyên truyền về biển đảo; giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt; An toàn giao thông; An ninh - quốc phòng. Thời điểm hiện nay, các cơ quan báo chí đang tập trung cao độ tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần dấy lên phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân và lực lượng xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Ngoài việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, báo chí Ninh Bình còn góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phê phán các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu còn rơi rớt lại trong đời sống nhân dân. Các nhà báo đã thường xuyên có mặt ở những nơi vùng sâu, vùng xa của tỉnh, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân, nói đúng và trúng những vấn đề cuộc sống đang đặt ra, góp phần cùng các cấp, các ngành có biện pháp tháo gỡ khó khăn ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Báo chí cũng đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, góp tiếng nói trong việc hoạch định đường lối, chính sách, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường công tác đối ngoại, đưa hình ảnh đất và người Ninh Bình đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế. Nhiều tấm gương tốt, nhân tố điển hình tiên tiến, cách làm hay, sáng tạo được phản ánh và nhân rộng trong cộng đồng.
Với chức năng của mình, báo chí của tỉnh cũng đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, tặng quà đồng bào vùng bị thiên tai, bão lụt, giúp đỡ người nghèo. Duy trì thường xuyên chuyên mục "Nhịp cầu nhân ái" kết nối các nhà hảo tâm với những mảnh đời bất hạnh, góp phần cùng với các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của tỉnh.
Ghi nhận những đóng góp tích cực của báo chí tỉnh nhà đối với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước những năm qua, 2 cơ quan báo chí của tỉnh là Báo Ninh Bình và Đài PT-TH tỉnh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; được Chính phủ, Hội Nhà báo Việt Nam, UBND tỉnh và 2 Đài quốc gia tặng cờ thi đua và nhiều Bằng khen. Đặc biệt, trong 5 năm qua, báo chí của tỉnh đã có 3 hội viên đạt giải báo chí quốc gia, gồm 1 giải B và 2 giải C. Ngoài ra, nhiều hội viên nhà báo cũng đã đạt giải thưởng của các ngành, Ban tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động lớn của tỉnh và quốc gia.
Trân trọng những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động báo chí của tỉnh còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, đó là: Tính chuyên nghiệp và chất lượng thông tin báo chí của tỉnh chưa cao, có lúc chưa kịp thời. Hình thức thông tin báo chí chưa đa dạng, chưa tạo được sức hấp dẫn với công chúng báo chí. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận người làm báo chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có nhiều bài phóng sự, điều tra đúng tầm, mang tính gợi mở, phát hiện, đa số mới dừng ở mức độ phản ánh, nêu vấn đề mà ít có đề xuất, giải pháp để giải quyết vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra. Việc bồi dưỡng đạo đức người làm báo tuy đã được chú trọng nhưng vẫn còn có nhà báo vi phạm khuyết điểm; một bộ phận nhỏ nhà báo làm việc còn hời hợt, chưa dấn thân, chưa tích cực đi cơ sở nên năng suất, hiệu quả công tác còn khiêm tốn.
Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt nam, ngoài ý nghĩa ôn lại truyền thống vẻ vang, đáng tự hào của Báo chí cách mạng, đây còn là dịp để người làm báo trong tỉnh nhìn nhận rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, trên cơ sở đó kiểm điểm lại những việc đã làm tốt cũng như những tồn tại hạn chế cần khắc phục để xốc lại hành trang, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, Hội Nhà báo tỉnh và các cơ quan báo chí cần tập trung làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng chính trị tư tưởng, chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Nâng cao bản lĩnh chính trị, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội của người làm báo; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về công tác xây dựng Đảng. Tạo điều kiện để đội ngũ những người làm báo say sưa, gắn bó với nghề; có chính sách động viên những người làm báo giỏi, sáng tạo ra các tác phẩm báo chí chất lượng cao.
Tiếp tục nâng cao nội dung, hình thức tuyên truyền, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của đất nước, tuyên truyền kịp thời, có hiệu quả các sự kiện trong nước, quốc tế, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh và nhu cầu thông tin của công chúng báo chí….Có thể nói, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí chúng ta thời gian tới là hết sức nặng nề, do đó các cơ quan báo chí cũng như đội ngũ người làm báo của tỉnh cần tiếp tục phát huy truyền thống, làm tròn sứ mệnh của mình là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh; là cầu nối giữa dân với Đảng, tích cực tuyên truyền đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết đã đề ra.
Nguyễn Kim Toàn
TUV, Tổng Biên tập Báo Ninh Bình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh