Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, để chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ chính quyền non trẻ, Đảng và Chính phủ quyết định thành lập 12 chiến khu trên phạm vi cả nước, trong đó ở vùng đồng bằng Bắc bộ có Chiến khu 2, 3 và 11 (tiền thân của Quân khu 3 sau này). Để tiến hành công tác chính trị tư tưởng, Bộ Chỉ huy các Chiến khu tổ chức ra Ban Chính trị.
Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34 về tổ chức Bộ Quốc phòng. Theo đó, ở các Chiến khu có Phòng chính trị, với nhiệm vụ được xác định là "Điều khiển và kiểm tra chính trị trong bộ đội, phát hành sách báo, phòng ngừa phản tuyên truyền của địch và phụ trách dân vận, đặt dưới sự điều khiển của Chính trị ủy viên Khu". Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần cho LLVT Chiến khu, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở đồng bằng Bắc bộ.
Những ngày đầu thành lập, dù gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng Phòng Chính trị các Chiến khu 2, 3 và 11 đã quán triệt Chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc" của Trung ương Đảng, kịp thời chỉ đạo các đơn vị vũ trang tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương "Diệt giặc đói", "Diệt giặc dốt", "Diệt giặc ngoại xâm", tham gia xây dựng thực lực cách mạng, chuẩn bị kháng chiến.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng trên toàn quốc, hầu hết vùng đồng bằng bị địch chiếm đóng, Phòng Chính trị các chiến khu đã tham mưu cho Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu triển khai đồng bộ các hoạt động công tác chính trị; đề xuất thành lập các Đội Tuyên truyền vũ trang để vận động nhân dân, du kích thi đua giết giặc lập công.
Thời gian này, Phòng Chính trị còn xây dựng được đội ngũ cán bộ có ý chí quyết tâm cao, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào thắng lợi của các chiến dịch Thu Đông (1947), Lê Lợi (1949), Biên giới (1950), Đông Xuân (1953 - 1954), đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong những năm đầu miền Bắc được giải phóng, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Phòng Chính trị Liên khu 3, khu Tả Ngạn đã tham mưu cho Liên khu ủy, Khu ủy Tả Ngạn triển khai các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong tiếp quản các tỉnh, thành phố; vừa quản lý chặt chẽ khu vực 300 ngày, vừa tuyên truyền, vận động bộ đội, du kích và nhân dân anh dũng đấu tranh chống địch càn quét, mở rộng chiếm đóng, vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các Quân khu Tả Ngạn, Hữu Ngạn được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Phòng Chính trị các chiến khu phát triển thành Cục Chính trị. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", Cục Chính trị đã thực hiện tốt chức năng tham mưu và trực tiếp hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai công tác Đảng, công tác chính trị trong củng cố, xây dựng LLVT ba thứ quân; chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội; đẩy mạnh tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời tổ chức nhiều phong trào thi đua trở thành điển hình của cả nước như: "Sóng Duyên Hải", "Trung dũng, quyết thắng, nổi trống phất cờ, nhất tề đứng dậy" (ở Hải Phòng), "Chiếc gậy Trường Sơn" (ở Hà Tây), "Tiếng trống 30, tòng quân diệt Mỹ" (ở Thái Bình), "Đất mỏ kiên cường" (ở Quảng Ninh), "Thanh niên mở hội tòng quân", "Đông Xuân quyết thắng" (ở Hà Bắc)... tạo ra cao trào hành động cách mạng sâu rộng trong chiến đấu, lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện lớn sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần to lớn cùng quân dân cả nước "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau chiến thắng 30-4-1975, đất nước ta gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Cục Chính trị đã tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phát động phong trào "Làm giàu, đánh thắng" tập trung đột phá, đẩy mạnh tăng gia sản xuất lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, tham gia xây dựng các công trình phòng thủ biên giới; thực hiện các dự án kinh tế - quốc phòng…
Sau khi thành lập Đặc khu Quảng Ninh, Cục Chính trị Đặc khu đã chủ động tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả; đồng thời phát động các phong trào: "Bạch Đằng dậy sóng, quyết thắng quân xâm lược", "Trận địa Lê Đình Chinh", "Trận địa Đinh Trọng Lịch", "Trận địa là nhà, biên giới, hải đảo là quê hương"... tạo ra sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và phía Bắc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Cục Chính trị đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu các chủ trương, giải pháp xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua quyết thắng, gắn với thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhất là đẩy mạnh "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong LLVT Quân khu. Thường xuyên quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong nội bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao.
Chủ động phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu triển khai có hiệu quả các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT địa phương, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững chắc.
Tích cực chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả công tác chính sách hậu phương quân đội, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và phong trào thi đua yêu nước, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; tổ chức tốt chương trình "Quân dân y kết hợp"… cùng nhân dân và các lực lượng xây dựng địa bàn Quân khu ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, có đời sống văn hóa phát triển, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Với những chiến công, thành tích xuất sắc đã đạt được, Cục Chính trị đã vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, Huân chương Lao động các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đặc biệt, với thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc 5 năm qua, ngày 28-12-2015, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định tặng thưởng Cục Chính trị Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang các thế hệ đi trước, trong thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy và cán bộ, nhân viên Cục Chính trị tập trung quán triệt sâu sắc và góp phần tích cực thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân khu lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu gắn với việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ".
Chú trọng củng cố, kiện toàn, xây dựng Đảng bộ Cục trong sạch, vững mạnh, Cục Chính trị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng VMXS; góp phần xây dựng LLVT Quân khu vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong tình hình mới n
Thiếu tướng: Nguyễn Mạnh Hùng(UVTV Đảng ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 3)