Nét đẹp truyền thống đó đã sớm hình thành từ những buổi đầu của công cuộc khẩn hoang lịch sử, trải qua những thăng trầm của từng giai đoạn cách mạng, được kế thừa và phát triển, kết tinh thành những đặc trưng riêng có trong văn hóa, lịch sử và con người Kim Sơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, bản lĩnh kiên cường, bất khuất của nhân dân Kim Sơn đã được phát huy mạnh mẽ, làm nên những chiến công vang dội trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, góp phần quan trọng tiến tới giải phóng Kim Sơn ngày 30-6-1954. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân Kim Sơn đã anh dũng kiên cường, giáng trả kẻ thù những đòn chí mạng, bắn rơi 8 máy bay, bắt sống phi công Mỹ và toán biệt kích C47. Trong 10 năm, cùng với miền Bắc thực hiện phương châm "Hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn", toàn huyện đã đóng góp cho miền Nam hơn 10 vạn tấn lương thực, trên 5 vạn tấn thực phẩm, hơn 31.000 người đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, gần 2.000 con em Kim Sơn đã để lại xương máu tại các chiến trường.
Với vị trí chiến lược quan trọng, là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, song Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Sơn vẫn đoàn kết một lòng, hăng hái thi đua "vừa chiến đấu, vừa sản xuất" phấn đấu vươn lên phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều điểm sáng của phong trào thi đua như: Hợp tác xã Dưỡng Điềm, (Hồi Ninh) là một trong số những đơn vị dẫn đầu toàn miền Bắc về năng suất lúa đạt 5 tấn/ha. Trung đội dân quân Kim Đài và dân quân du kích xã Thượng Kiệm lập công bắn rơi máy bay Mỹ...
Đây là thời kỳ hào hùng nhất trong trang lịch sử vàng của huyện Kim Sơn như một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhiều tập thể và cá nhân của huyện Kim Sơn đã vinh dự được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Là vùng đất có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, Kim Sơn đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để từng bước tiến bộ vươn lên. Từ sau ngày tái lập tỉnh (1992) và đặc biệt, từ sau năm 1994, một số xã ở Kim Sơn tách về huyện Yên Khánh, địa giới hành chính được điều chỉnh lại, Đảng bộ, quân và dân Kim Sơn đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng phù hợp với điều kiện của địa phương, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng Đảng.
Kinh tế của huyện liên tục tăng trưởng, bình quân đạt 12%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, kinh tế biển phát triển vượt bậc, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm đều tăng khá và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ. Bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị luôn được củng cố ngày càng vững chắc và có nhiều đổi mới trong hoạt động.
Trong sản xuất nông nghiệp, Kim Sơn tập trung phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản. Sản xuất lúa liên tục được mùa, đạt đỉnh cao mới về năng suất và sản lượng lúa, là đơn vị dẫn đầu tỉnh về năng suất.
Năng suất lúa năm 2014 đạt 126,8 tạ/ha. Sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt hơn 105.000 tấn, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lương thực của cả tỉnh, góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Với lợi thế thủy triều thuận lợi, đất đai màu mỡ, huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao. Diện tích lúa chất lượng cao năm 2014 đạt 10.225 ha tăng 3.543 ha so với năm 2010. Sản lượng thóc chất lượng cao đạt 62.546 tấn, tăng 12.564 tấn so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra.
Bên cạnh đó chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, đã xuất hiện một số mô hình trang trại chăn nuôi hiệu quả, có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Nông thôn Kim Sơn cũng đang đổi mới từng ngày, đặc biệt, những năm vừa qua, thực hiện chủ trương "Chung tay xây dựng nông thôn mới", bộ mặt nông thôn Kim Sơn thay đổi với tốc độ khá nhanh.
Đến nay, 27 xã, thị trấn đã có trụ sở làm việc hiện đại; 65/84 trường học cao tầng kiên cố; 100% xã, thị trấn có trạm y tế kiên cố; trung tâm hành chính mới của huyện đi vào hoạt động với 13 trụ sở của các cơ quan; 89% dân số được dùng nước sạch; 100% hộ dùng điện sinh hoạt.
Với trên 7.000 ha vùng bãi bồi ven biển rất thuận tiện cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản, kinh tế biển được quan tâm đầu tư phát triển và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Kim Sơn.
Cùng với các chính sách đầu tư của tỉnh về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cải tạo ao đầm, đưa giống mới vào sản xuất, tăng nguồn vốn vay để đầu tư nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng ven biển đạt 24%/năm, chiếm gần 30% giá trị sản xuất toàn huyện. Đến năm 2014, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 21.928 tấn, chiếm 50% sản lượng thủy, hải sản toàn tỉnh.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh, phát triển sản xuất công - TTCN và làng nghề đến năm 2010 và định hướng đến 2015. Do đó, hoạt động sản xuất công nghiệp-TTCN trên địa bàn được đẩy mạnh, giá trị sản xuất ngày càng tăng cao, hàng năm đạt giá trị sản xuất hơn 450 tỷ đồng.
Hiện nay huyện Kim Sơn đã có 26 làng nghề, trong đó có 01 làng nghề sản xuất rượu được tỉnh công nhận. Cùng với sự phát triển nghề truyền thống, trên địa bàn đã hình thành gần 20 doanh nghiệp sản xuất chế biến cói, thu hút gần 5.000 lao động làm việc thường xuyên và gần 32.000 lao động trong khu dân cư. Các doanh nghiệp chế biến hàng cói xuất khẩu đã có nhiều cố gắng khắc phục khó khăn về thị trường, giá cả và ký được nhiều hợp đồng lớn, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị và nông thôn, được quan tâm đầu tư, góp phần quan trọng thay đổi nhanh chóng diện mạo quê hương. Điều ấn tượng là quá trình đô thị hóa ở Kim Sơn diễn ra khá nhanh nhưng vẫn giữ được nét đẹp hữu tình của làng quê Việt Nam cổ truyền xen cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, lại vừa mang dáng dấp của mẫu làng hiện đại, đầy tính năng động và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường đê biển, đê sông được nâng cấp, kiên cố, mở rộng; 100% đường đến trụ sở các xã được rải nhựa, hơn 80% đường nông thôn được bê tông hóa, bề mặt mở rộng; quốc lộ 10 (đường tránh) đang được khẩn trương xây dựng với những cây cầu hiện đại làm cho Kim Sơn càng đẹp về cảnh quan, thêm thuận tiện về giao thông và giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Cụm công nghiệp Đồng Hướng đã và đang phát huy hiệu quả thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.
Vùng bãi bồi hàng năm tiến dần ra biển từ 80 đến 100 mét như một sự ưu ái ban tặng của tạo hóa cho huyện Kim Sơn để mở rộng đất đai, phát triển kinh tế. Tiếp nối tinh thần "đẩy lùi biển cả ra xa, kéo trời xanh gần lại", cùng với những bài học kinh nghiệm của ông cha thuở trước, công cuộc khẩn hoang lấn biển của nhân dân Kim Sơn lại được tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn.
Kể từ ngày thành lập đến nay, Kim Sơn đã vật lộn chống chọi với sức tàn phá nghiệt ngã của mưa gió, bão biển để tổ chức thành công 9 lần quai đê lấn biển, đưa diện tích tự nhiên của huyện lên tới 21.327,28 ha, gấp 4 lần so với khi thành lập.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp văn hóa giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Hoạt động văn hóa tiếp tục phát triển, nhiều phong trào văn hóa quần chúng, mang tính truyền thống được duy trì trong nhân dân, tạo nên những nét đẹp rất đặc trưng vùng có đông đồng bào theo đạo, thể hiện tình cảm đoàn kết lương giáo.
Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học đều tăng (năm 2010, toàn huyện có 574 học sinh, năm 2014, toàn huyện có 780 học sinh thi đỗ Đại học); Trường THPT Kim Sơn A xếp thứ 65/2.900 trường, trường THPT Kim Sơn B xếp thứ 165/2.900 trường trong toàn quốc.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được coi trọng; số bác sỹ trên một vạn dân đạt 3,5 (năm 2014). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 17%. Phong trào hiến tặng giác mạc được đông đảo nhân dân, nhất là đồng bào có đạo tham gia. Đến nay đã được nhân rộng và là điển hình của cả nước (chiếm 87% số lượng người hiến trên cả nước). Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; các chính sách xã hội được quan tâm đúng mức, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 4%.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, quốc phòng được tăng cường. Hệ thống chính trị luôn được củng cố ngày càng vững chắc. Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ ngày càng được đổi mới theo hướng chặt chẽ về nguyên tắc, mở rộng dân chủ, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, vì nhân dân phục vụ. Hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. S
ố đảng bộ, chi bộ trực thuộc Huyện ủy; chính quyền các xã, thị trấn hàng năm đạt trong sạch, vững mạnh ngày càng nhiều. Công tác kết nạp đảng viên nói chung, đảng viên là người có đạo, học sinh THPT nói riêng được đặc biệt chú trọng. Trong 6.889 đảng viên toàn Đảng bộ, đảng viên là người có đạo chiếm 9,75%, mỗi năm kết nạp từ 8-10 học sinh THPT vào Đảng.
Hoạt động của các tổ chức chính trị, các đoàn thể ngày càng nâng cao chất lượng theo hướng thiết thực và hiệu quả. Dân chủ và việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được tăng cường, Đảng bộ huyện duy trì thường xuyên việc giao ban hàng quý giữa Ban Thường vụ Huyện ủy với bí thư chi bộ tại các tiểu khu, tổ chức các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo huyện với các đối tượng khác nhau, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc mở rộng, thực hành dân chủ trong toàn xã hội, góp phần củng cố vững chắc khối đoàn kết lương-giáo, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.
Nhìn lại chặng đường 185 năm qua, tự hào với những thành quả của công cuộc khai hoang mở đất, quai đê lấn biển, mở làng lập ấp của cha ông, các thế hệ người Kim Sơn càng cảm phục và tri ân các vị tiền bối, các bậc cha anh đi trước, bằng ý chí quật cường, bằng khát vọng xây dựng cuộc sống, với tinh thần đoàn kết thống nhất, đã cống hiến sức lực, tài năng trí tuệ, hy sinh mồ hôi xương máu, xây dựng, bảo vệ và phát triển vùng đất mới để có được Kim Sơn như ngày hôm nay.
Mặc dù vẫn còn những việc chưa thành công, chưa được như mong muốn, chặng đường phía trước còn nhiều cơ hội và thách thức đan xen, song, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, anh hùng, Đảng bộ, quân và dân Kim Sơn quyết tâm phấn đấu xây dựng huyện Kim Sơn ngày càng giàu đẹp hơn, nhằm tri ân và đền đáp công lao của các bậc tiền nhân thuở trước, xứng đáng với tiềm năng thế mạnh của vùng đất mở.
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu xây dựng phát triển toàn diện để Kim Sơn trở thành thị xã vào năm 2020. Trước mắt, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014.
Tích cực làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế biển.
Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội. Làm tốt công tác quân sự quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Phát động các phong trào thi đua lập thành tích cao nhất mừng Đảng quang vinh 85 năm, Mừng Xuân ất Mùi và chào mừng Đại hội Đảng các cấp, để cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Kim Sơn bằng những hành động cụ thể, việc làm có ý nghĩa, thiết thực chung tay xây dựng quê hương Kim Sơn thực sự giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh, xứng đáng với tên gọi "Núi Vàng - Kim Sơn" như khát vọng bao đời.
Nguyễn Hoàng Hà(Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn)