Đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng đồi núi bán sơn địa, điều kiện khí hậu phù hợp với phát triển nông nghiệp,lâm nghiệp, trọng tâm là nghề rừng và chăn nuôi. Đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó với quê hương, không du canh, du cư và ít có sự chuyển dịch lao động. Do cùng sinh sống đan xen và hợp tác, đã tạo nên truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, thống nhất cộng đồng bền chặt giữa các dân tộc, cùng nhau gìn giữ bản làng, góp phần đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng của tỉnh.
Trong 5 năm qua, tỉnh Ninh Bình đã triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chương trình, dự án của Trung ương, kết hợp với chính sách đặc thù của tỉnh để phát triển vùng dân tộc thiểu số, do vậy cơ bản đã giải quyết được những nhu cầu bức thiết về cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn. Chương trình xóa đói, giảm nghèo, các công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sạch, nhà văn hóa thôn, bản được đầu tư đã làm nên diện mạo mới cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số có những chuyển biến rõ rệt; hộ khá, hộ giàu tăng lên. Đến năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số của tỉnh còn 11,38% (giảm 1,62% so với chỉ tiêu Đại hội đại biểu Dân tộc thiểu số lần thứ nhất đề ra), thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số bình quân toàn quốc (37%).
Những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh và hướng dẫn của ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, MTTQ các cấp tỉnh Ninh Bình và các tổ chức thành viên đã phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc và công tác dân tộc, tích cực vận động, tập hợp đồng bào các dân tộc; thông qua hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, các vị ủy viên ủy ban MTTQ xã, phường, thị trấn để phản ánh tâm tư, nguyện vọng và thường xuyên chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng hợp pháp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở cơ sở; chủ động tham gia đóng góp ý kiến đề xuất vào các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã có liên quan đến đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào; tham gia tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân và đồng bào các dân tộc thiểu số ở cơ sở thực hiện tốt các chủ trương, chính sách dân tộc. Triển khai và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở khu dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
MTTQ tham gia giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc ở địa phương, nhất là các phong tục, lễ hội. Khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc thể hiện trong tiếng nói, phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, văn học, nghệ thuật… để vận dụng vào nội dung tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư" dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11) hàng năm; phối hợp với các cấp chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào các dân tộc thiểu số xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường; xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội; quan tâm xây dựng, chăm lo và phát huy vai trò của những người tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở cơ sở, góp phần đoàn kết đồng bào các dân tộc và thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Mặt trận;
Tăng cường tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách dân tộc của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức Nhà nước, nhất là tham gia quản lý và giám sát việc đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sạch sinh hoạt… để đảm bảo các công trình phát huy được hiệu quả thiết thực, tránh lãng phí, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, cải thiện và ổn định đời sống.
Hàng năm, 100% khu dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đăng ký tiêu chuẩn khu dân cư văn hóa, có từ 85% trở lên số hộ đăng ký tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Đến nay 100% các xã có đường giao thông cho xe cơ giới từ trung tâm xã đến tất cả thôn, bản; nâng cấp đường đến các xã, thôn, bản; nâng cấp đường vùng sản xuất và kênh mương tưới tiêu cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ canh tác; trên 85% xã có công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ sản xuất cho 95% diện tích đất nông nghiệp; 100% số xã và số hộ dân là người dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 60% số hộ được dùng nước sạch; 90% số hộ được dùng nước hợp vệ sinh.
Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết do ủy ban MTTQ các cấp phát động, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tham gia tích cực, hiệu quả. Trong 5 năm, tỉnh đã trích từ Quỹ "Vì người nghèo" hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho 81 hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách là người dân tộc thiểu số với tổng số tiền là 2.025.000.000đồng.
Các chính sách đặc thù vùng dân tộc như: Chương trình 134, Chương trình 135; Dự án ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc; Dự án định canh, định cư; Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín vùng dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện nghiêm túc. Tỉnh đã đầu tư 2.709 triệu đồng xây dựng 20 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 3.832 công trình cấp nước sinh hoạt phân tán.
Từ năm 2009 đến nay đã dạy nghề cho 341 người; giải quyết việc làm cho 3.546 lao động; giải quyết cho 2.192 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ bản giải quyết được vấn đề thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất cho đồng bào; tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình dân tộc thiểu số có nơi ở ổn định, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống,vươn lên thoát nghèo, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng tình hưởng ứng. Đến nay, đã có 100% số xã trên địa bàn tỉnh được phê duyệt quy hoạch chung và đề án xây dựng nông thôn mới. Với nhiều phong trào được triển khai như: Phong trào "Xây dựng hố xử lý rác ở mỗi gia đình", "Chỉnh trang, xây dựng nhà ở, cổng, tường rào"; "Hiến đất mở rộng nền đường giao thông", đồng bào các dân tộc thiểu số đã huy động hàng chục nghìn ngày công, hiến hàng nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn; cải tạo, xây dựng nhiều nhà văn hóa thôn, phòng học, trạm y tế xã; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao.
Công tác an ninh trật tự ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật. Đồng bào trên địa bàn tỉnh phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền; chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; không có vụ việc khiếu nại, tố cáo vượt cấp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
ủy ban MTTQ các cấp đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu của các thế lực thù địch chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, bà con nhân dân đã tích cực tham gia các phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng", phối hợp duy trì tốt các tổ tự quản, câu lạc bộ pháp luật; duy trì hoạt động của các nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác dân tộc trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tỉnh. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp chủ động thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới. Phổ biến đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, Mặt trận cần tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc đến với nhân dân ở các khu dân cư. Qua đó góp phần đưa chủ trương "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ" vào cuộc sống, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tiến bộ về mọi mặt, giảm bớt và thu hẹp dần sự chênh lệch trong phát triển để cùng tiến tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các Văn kiện của Đảng, xây dựng sự đồng thuận, đoàn kết, góp phần vào thành công Đại hội Đảng các cấp trong năm 2015 tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án ở vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và tổ chức "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư", góp phần giữ gìn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc; MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tích cực mở các lớp dạy nghề, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, quan tâm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; quan tâm xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho hoạt động văn hóa, thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua việc hiệp thương, chọn cử, giới thiệu người đủ tiêu chuẩn tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và qua các dịp tổ chức đại hội, hội nghị của Mặt trận, các đoàn thể để phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia các công việc trong hệ thống chính trị.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp công tác tuyên truyền, vận động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt phương châm: Chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc; sử dụng nhiều phương thức phù hợp với đặc thù của từng vùng dân tộc thiểu số, đồng thời thực hiện tốt phong cách: Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Bình lần thứ II; Chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Ninh Bình, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong thời gian tới, MTTQ các cấp tỉnh Ninh Bình cần tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc về công tác dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản tiêu biểu, trưởng dòng họ, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Đề cao ý thức trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh với việc tích cực đóng góp ý kiến, kiến nghị, thực hiện tốt việc giám sát và phản biện xã hội theo quy định của pháp luật.
Trần Hồng Quảng
(TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh)