Trong ký ức của bác Phạm Minh Thư (Phố 6, thị trấn Yên Ninh, Yên Khánh), những năm tháng cùng đồng đội ở Trung đoàn 429, Bộ đội đặc công miền Đông Nam Bộ tiến vào Sài Gòn là những giây phút không thể nào quên. Bác Thư tâm sự: Khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, bác Thư đã có gia đình riêng, vì thế dù biết chiến tranh là khốc liệt, có thể mất mát, hy sinh tình cảm riêng nhưng bác đều gác lại để hòa vào trong không khí sôi nổi hào hùng của dân tộc khi cả nước cùng chung một chiến hào "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào". Bác Thư kể lại: Trưa ngày 30-4 khi cờ Tổ quốc tung bay trên nóc dinh Độc Lập, tôi không giấu nổi niềm vui, nước mắt tôi trào ra. Khi đất nước đã yên tiếng súng, trở về với cuộc sống đời thường, phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, bác Thư đã nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại rộng 3 mẫu của mình, bác Thư tâm sự những năm đầu khi bắt tay vào làm kinh tế trang trại bác gặp rất nhiều trở ngại: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất, sức khỏe yếu… Bác đã đi rất nhiều nơi, tìm hiểu nhiều mô hình sản xuất, được sự giúp đỡ của địa phương, bác đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp. Trang trại của bác hiện có 1.000 cây sấu, 800 cây sao đen, 500 con vịt đẻ, 300 gà thả vườn, 1/2 ha thả cá. Trung bình mỗi năm trừ chi phí, trang trại của gia đình bác Thư cho thu nhập từ 120-150 triệu đồng.
Với bác Đàm Ngọc Bính, Chủ tịch Hội CCB phường Nam Bình, thành phố Ninh Bình thì những năm tháng chiến đấu trên chiến trường miền Nam luôn là động lực để bác hoàn thành xuất sắc công việc hiện tại của mình. Nhập ngũ từ năm 1972 khi mới vừa tròn 16 tuổi, bác Bính được chuyển ngay vào chiến trường miền Nam chiến đấu và sau đó trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh tại trung đoàn 141, sư đoàn 312, Quân đoàn I. Nhiệm vụ của Trung đoàn bác khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh là tiêu diệt Sư đoàn 5 bộ binh Ngụy. Sư đoàn này được mệnh danh là "Sư đoàn Hổ Xám" với lực lượng quân tinh nhuệ, trang bị vũ khí hiện đại. Bác nói "Đây là trận đánh có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì cùng với đồng đội tôi đã góp một phần nhỏ bé để mở cửa cho quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập trưa 30-4".
Trở về với cuộc sống đời thường, bác Bính luôn phát huy truyền thống, gương mẫu trong các phong trào của địa phương và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội CCB phường. Gắn bó với Hội CCB, điều bác trăn trở là cuộc sống của nhiều CCB còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là rào cản lớn nhất trong việc thu hút, tập hợp hội viên. Bác tâm sự: Không chỉ bị động về vốn, nhiều CCB còn gặp khó khăn do không tìm được mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Đưa CCB đến với Hội phải đồng nghĩa với việc giúp họ làm giàu chính đáng. Chính suy nghĩ ấy mà với cương vị là Chủ tịch Hội CCB, bác Bính luôn quan tâm đến việc hỗ trợ hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ tranh thủ nguồn vốn vay, Hội CCB phường Nam Bình còn khuyến khích hội viên tương trợ nhau phát triển kinh tế như xây dựng mô hình tổ góp vốn xoay vòng, giúp nhau ngày công lao động, kinh nghiệm sản xuất…
Từ những cách làm thiết thực, cụ thể, đến nay Hội không còn hội viên nghèo, tỷ lệ hộ giàu là 20,6%. Bác Bính cũng thường xuyên tham gia các diễn đàn tiếp lửa truyền thống, giao lưu nhân chứng lịch sử để thông qua đó giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Với bác, được tiếp tục cống hiến, góp sức mình vào sự nghiệp đổi mới của quê hương là cách tri ân với những đồng đội xưa, để sáng mãi phẩm chất hào hùng của những người lính vinh dự được tham gia chiến đấu trong chiến dịch mang tên Bác.
Quỳnh Thu