Trường Đảng Ninh Bình khi thành lập (1956) mới chỉ thực hiện nhiệm vụ: "Đăng cai địa điểm" chủ yếu phục vụ công tác giảng dạy và học tập, sau 9 năm (1975), đã có sự trưởng thành nhanh chóng; thành lập các phòng nghiệp vụ và các khoa chuyên môn, giảng dạy lý luận chính trị. Đội ngũ giảng viên tăng lên cả về số lượng và chất lượng, có kiến thức, trình độ và năng lực chuyên môn, đảm nhiệm hầu hết các nội dung chương trình sơ cấp lý luận chính trị học tập trung 6 tháng, các lớp bồi dưỡng cán bộ 3 tháng, 45 ngày, một tháng.
Trường Hành chính tỉnh Ninh Bình được thành lập cùng thời điểm thành lập Trường Đảng Ninh Bình. Nhưng do điều kiện, hoàn cảnh thời kỳ đó, sau 6 năm thành lập (1956-1962), Trường Hành chính lại sáp nhập với Trường Đảng Trần Kiên, đến năm 1967, lại tách khỏi Trường Đảng Trần Kiên. Trong 15 năm, Trường Hành chính tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp huấn luyện bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ công tác chuyên môn cho hàng nghìn cán bộ cấp xã, ban, ngành cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần to lớn trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng.
Ngày 21-3-1976, Trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trường Đảng Trần Kiên và Trường Đảng Nam Hà. Mười sáu năm hợp nhất (1976 đến 1992), Trường Đảng tỉnh Hà Nam Ninh đã mở được 60 lớp Trung cấp Lý luận chính trị tập trung. Trong đó, cơ sở Trường Đảng Trần Kiên mở được 3 lớp, tại các huyện Hoàng Long, Tam Điệp, Hoa Lư với tổng số 897 học viên và đã mở hàng chục lớp sơ cấp lý luận chính trị tập trung tại thị xã Ninh Bình và các huyện Hoàng Long, Tam Điệp, Hoa Lư, Kim Sơn với hàng nghìn học viên.
Ngày 16-8-1976, ủy ban Hành chính tỉnh Hà Nam Ninh ra Quyết định số 1694/QĐ-UB thành lập Trường Hành chính tỉnh Hà Nam Ninh. Giai đoạn 1982- 1989 là giai đoạn Trường Hành chính tỉnh phát triển mạnh mẽ và đạt thành tích quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ khối Nhà nước. Trường mở được 20 lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước cho 1.022 học viên (trong đó có 16 lớp sơ cấp tập trung gồm 742 học viên). Riêng khu vực Ninh Bình đã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho 288 lượt học viên. Bên cạnh đó, Trường còn mở được 2 lớp sơ cấp quản lý hành chính nhà nước với hình thức tại chức, học nhiều kỳ, mỗi tháng học một tuần tại huyện Hoa Lư và thị xã Ninh Bình gồm 34 học viên; tại Kim Sơn gồm 44 học viên. Đồng thời, Trường mở các lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thời gian mỗi lớp là 3 ngày.
Ngày 26-12-1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Ngày 19-10-1992, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 378/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Khi thành lập, Trường gặp vô vàn khó khăn. Đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu về năng lực, đội ngũ cán bộ, phục vụ đông nhưng không mạnh, cơ sở vật chất thiếu thốn, thiếu phòng học, thiếu điện, nước, phương tiện phục vụ cho việc giảng dạy và học tập; phòng học, phòng làm việc hầu hết là nhà cấp bốn đã xuống cấp. Song được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường, hoạt động của Trường đi vào nền nếp và từng bước phát triển. Đội ngũ cán bộ, giảng viên được tăng cường và nâng lên về chất lượng.
Đặc biệt giai đoạn từ 1992 đến tháng 6-2016, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, với sự quyết tâm và nỗ lực cao của tập thể cán bộ, giảng viên Nhà trường, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành, thị ủy, Trường đã mở 693 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 78.800 lượt học viên (trong đó 125 lớp đào tạo, 68.128 lượt học viên; 568 lớp bồi dưỡng cho 78.800 lượt học viên).
Cụ thể: Trường phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I mở 10 lớp cử nhân chính trị và cao cấp lý luận chính trị với 1.130 học viên; mở 86 lớp Trung cấp chính trị, Trung học chính trị, Trung cấp lý luận chính trị - hành chính với 7.283 học viên. Ngoài ra, Trường còn liên kết với các Trường Đại học, Học viện mở 9 lớp đại học: Luật, Tài chính, Báo chí Tuyên truyền, Hành chính với 1.844 học viên. Bên cạnh đó, Trường còn phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong tỉnh mở 18 lớp cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với 1.279 học viên; mở 2 lớp đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt cấp xã cho 135 học viên.
Những năm qua, Trường tích cực mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của tỉnh, đó là: Phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy mở 1 lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn chủ chốt cấp tỉnh cho 86 đồng chí; mở 1 lớp chuyên viên cao cấp cho 35 đồng chí; mở 13 lớp chuyên viên chính với 857 học viên; 42 lớp chuyên viên với 3.137 học viên và hàng trăm lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các cơ quan khối Đảng, đoàn thể, khối Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp…
Công tác nghiên cứu khoa học của Trường được triển khai và từng bước đi vào nền nếp và hiệu quả. Từ chỗ chưa tổ chức nghiên cứu đề tài khoa học thì từ năm 1998 đến nay, Trường đã được giao và tổ chức nghiên cứu 5 đề tài khoa học cấp tỉnh.
Từ năm 2005 đến nay, Trường còn tổ chức nghiên cứu 24 đề tài khoa học và 3 sáng kiến, kinh nghiệm cấp trường với những nội dung thiết thực, phục vụ cho hoạt động chuyên môn của Trường. Để tạo diễn đàn nghiên cứu trao đổi nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, từ năm 2000 đến nay, Trường biên tập và phát hành 17 số Nội san. Đặc biệt, tháng 9-2013, Trang Thông tin điện tử của Trường được khai trương và đi vào hoạt động có hiệu quả.
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường tham mưu để UBND tỉnh ban hành Quyết định số 857/QĐ-UBND, ngày 20-10-2014 về phê duyệt Đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở cơ sở. Sau 18 tháng (tháng 1-2015 đến tháng 6-2016), Trường đã đưa 12 giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo Đề án nhằm tiếp cận cơ sở, nghiên cứu thực tiễn để từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy. Chất lượng nghiên cứu đề tài khoa học, bài viết Nội san, Trang Thông tin điện tử từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.
Đội ngũ cán bộ của Trường ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Khi thành lập, Trường chỉ có 3 biên chế, đến tháng 6-2016 có 54 biên chế, đội ngũ cán bộ với trình độ chuyên môn tương đối cao và đồng đều, có 51/54 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có 23 thạc sỹ, 3 cán bộ, giảng viên đang học cao học (năm 2010 mới có 6 thạc sỹ); về trình độ lý luận chính trị: Cử nhân có 3 người, cao cấp lý luận chính trị có 21 người, trình độ trung cấp lý luận chính trị có 11 người; có 1 chuyên viên cao cấp, 5 giảng viên chính và 8 chuyên viên chính.
Các tổ chức Đảng, đoàn thể không ngừng lớn mạnh, số lượng và chất lượng đảng viên của Đảng bộ ngày càng được nâng lên. Đến tháng 6-2016, Đảng bộ Trường có 50 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ khoa, phòng; 49/50 đảng viên có trình độ đại học và trên đại học (chiếm gần 98%), trong đó có 22 đảng viên trình độ thạc sỹ (chiếm 44%), 3 đồng chí đang học cao học. Về trình độ lý luận chính trị, có 21 đảng viên có trình độ Cử nhân và Cao cấp lý luận chính trị, 11 đảng viên có trình độ Trung cấp lý luận chính trị. Hàng năm có trên 90% đảng viên được xếp loại đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó trên 15% đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đảng bộ Trường được công nhận "Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh", Công đoàn và Chi đoàn thanh niên được công nhận là tổ chức đoàn thể vững mạnh.
Cơ sở vật chất từng bước được đầu tư, xây dựng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đã có hội trường 200 chỗ ngồi, khu giảng đường với 5 phòng học từ 40 đến 130 chỗ, có đủ bàn ghế, phương tiện giảng dạy, điều hòa nhiệt độ, máy chiếu, âm ly, loa đài… Khu nhà nghỉ có 200 giường, nhà ăn kiên cố 2 tầng với 250 suất ăn/lần, khu nhà đa năng… cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, học tập.
Với sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, những năm qua tập thể và nhiều cá nhân của Nhà trường đã được khen, tặng nhiều phần thưởng cao quý. Về tập thể, Trường được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2001), hạng Nhì (năm 2006) và hạng Nhất (năm 2012); Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (năm 2000), tặng Cờ thi đua xuất sắc (năm: 2008, 2015); Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng Cờ đơn vị dẫn đầu khối thi đua các ban Đảng (năm 2007) và 10 Bằng khen; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Hành chính quốc gia tặng 11 Bằng khen; các phòng, khoa chuyên môn của Trường được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 Cờ thi đua xuất sắc, 5 Bằng khen, UBND tỉnh tặng 53 Bằng khen; 1 giảng viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 1 đồng chí được tặng Huân chương kháng chiến, 9 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 12 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 27 lượt cá nhân được tặng danh hiệu "Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh"; 97 lượt cán bộ, giảng viên được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 15 lượt cán bộ, giảng viên được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Bằng khen; 26 cá nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục"; 18 cá nhân được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển Học viện".
Qua sáu thập kỷ, Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình tuy có thay đổi về tên gọi, chia tách, sáp nhập, tổ chức, bộ máy ở từng giai đoạn, nhưng vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Trường cơ bản không thay đổi. Đó là đào tạo, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội; khoa học quản lý nhà nước tới cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, quản lý, phục vụ của Trường ngày càng được nâng cao, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trường đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cho hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó nhiều cán bộ đã giữ vị trí chủ chốt từ cơ sở đến cấp tỉnh.
Tự hào, phấn khởi với những thành tích đã đạt được trong 60 năm qua của các thế hệ cán bộ, giảng viên của Trường; phát huy truyền thống vẻ vang, thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên hôm nay và mai sau của Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình cần nhận thức được trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân, trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức thực tiễn, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, quyết tâm xây dựng Trường ngày càng vững mạnh, góp phần xứng đáng vào thành tích chung của tỉnh, xây dựng quê hương Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thạc sỹ Phạm Thị Thủy
TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh