Khả năng ứng dụng cao Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VII (2014-2015) đã thu hút đông đảo các cá nhân, tổ chức tham gia và nhiều công trình, giải pháp đã thể hiện tính ứng dụng cao vào thực tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho chính đơn vị tham gia. Điển hình như công trình "Giấy báo quấn cói xuất khẩu" của Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Xuân Tình (huyện Yên Mô) thuộc lĩnh vực vật liệu, hóa chất năng lượng, đã đoạt giải nhất Hội thi. Trên thực tế, giấy, báo cũ hàng ngày rất nhiều, người dân chủ yếu bán để tái chế với giá thành rất rẻ. Trong khi nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như cói, bèo bồng ngày càng ít, do đó Công ty đã thử nghiệm nguyên liệu là giấy báo cũ để tạo ra sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay các sản phẩm từ giấy, báo cũ như khay, lọ đựng hoa... đã được khách hàng nước ngoài chấp nhận và lựa chọn. Giải pháp này đã được Công ty triển khai thực hiện 5 năm nay và mỗi năm xuất bán từ 4.000-5.000 sản phẩm. Nhờ sáng tạo trong sản xuất, Công ty đã có dòng sản phẩm mới với chi phí sản xuất thấp và hiệu quả mang lại cao hơn so với việc sử dụng các nguyên liệu truyền thống. Công trình này có thể ứng dụng rộng rãi trong việc sử dụng phế phẩm làm nguyên liệu sản xuất đối với những đơn vị sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ xuất khẩu.
Tham gia ở lĩnh vực cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải, công trình "Nghiên cứu và chế tạo hệ thống xuất bao xuống tàu sông" của nhóm tác giả thuộc Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình đã được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo, khả năng ứng dụng thực tế và đã đạt giải đặc biệt của Hội thi. Đại diện nhóm tác giả cho biết: Xuất phát từ thực trạng vận chuyển, phân phối sản phẩm đóng bao như xi măng, phân bón bằng đường sông, nhóm tác giả đã thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị xuất bao xuống tàu sông. Sản phẩm đã được thiết kế, chế tạo trên cơ sở áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, nguyên, vật liệu hoàn toàn có sẵn ở Việt Nam. Với việc sử dụng nguyên, vật liệu trong nước, hệ thống xuất bao xuống tàu sông có chất lượng tương đương nhưng giá thành giảm 20-30% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Hiện nay, hệ thống xuất bao xuống tàu sông do Công ty TNHH Cơ điện Ninh Bình chế tạo có nhiều dạng khác nhau phù hợp cho từng đơn vị sản xuất, từng địa thế cảng và đang được sử dụng để xuất bao xi măng xuống tàu tại cảng Vissai - Bích Đào, Cảng Vissai Hà Nam và đang lắp đặt, chạy thử tại Cảng xi măng Bút Sơn. Công trình đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng, đồng thời khách hàng đã sử dụng có phản hồi tích cực và đang là sản phẩm hứa hẹn mang lại doanh thu cao cho Doanh nghiệp.
Ngoài hai công trình trên, Hội thi lần thứ VII có rất nhiều công trình, giải pháp của các tác giả trong các ngành lớn như: Y học, giáo dục, công thương... có tính ứng dụng cao trong thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho đơn vị và địa phương như: Công trình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác mô phỏng lưới điện cung ứng kịp thời phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân trong tỉnh của Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình; công trình phẫu thuật chấn thương cột sống bằng bắt vít qua cuống theo đường mổ sau của các tác giả thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; sử dụng ống hút mềm để lấy máu truyền hoàn hồi trong phẫu thuật nội soi chửa ngoài tử cung vỡ của các bác sĩ Bệnh viện Sản - Nhi Ninh Bình...
Chất lượng công trình khoa học tăng lên
Đánh giá về Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VII, đại diện lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết: Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình trải qua 7 lần tổ chức, đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng rộng rãi của đội ngũ những người lao động và trí thức khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh, góp phần động viên các nhà khoa học nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo để cống hiến cho đời, những giải pháp đoạt giải đều có tính mới, tính sáng tạo, có khả năng áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và toàn tỉnh.
Hội thi lần thứ VII (2014-2015) có chất lượng công trình, giải pháp đăng ký tham gia cao hơn năm trước với nhiều công trình được đầu tư công phu, chất lượng và khả năng ứng dụng cao vào thực tế. Hội thi đã nhận được sự ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể... trong việc phát động, triển khai thực hiện. Một số đơn vị đã đưa việc phát huy sáng kiến, cải tiến và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất là một tiêu chí thi đua cuối năm của đơn vị. Đồng thời có chế độ đãi ngộ, khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, công nhân lao động phát huy tính sáng tạo thông qua việc ban hành quy chế khen thưởng, qua đó thúc đẩy hoạt động sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong doanh nghiệp, đơn vị mình.
Ban tổ chức Hội thi lần thứ VII đã nhận được 63 công trình tham gia dự thi trên 6 lĩnh vực. Các công trình dự thi đều được đánh giá trên 3 tiêu chí: tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kinh tế và khả năng ứng dụng. Căn cứ vào kết quả chấm điểm của các hội đồng, Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 41 công trình, trong đó có 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 4 giải nhì, 10 giải ba và 21 giải khuyến khích. Trên cơ sở kết quả của Hội thi cấp tỉnh, Ban tổ chức đã gửi 15 công trình tiêu biểu tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 và đã có 2 công trình đoạt giải.
Để hội thi lần thứ VIII (2016-2017) tiếp tục thành công và trở thành phong trào lao động sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Ban tổ chức Hội thi đã phát động và triển khai kế hoạch, thể lệ hội thi tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Hội thi để đông đảo cán bộ, người lao động hiểu rõ về nội dung, mục đích, ý nghĩa, kế hoạch... Qua đó phát huy và khuyến khích các hoạt động sáng tạo của mọi tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng có hiệu quả các công trình, giải pháp sáng tạo kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giáng Hương