Để việc lấy ý kiến Nhân dân được thực hiện hiệu quả, tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm; bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.
Đồng chí Đinh Trường Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch về tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó xác định rõ đối tượng lấy ý kiến, gồm: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên; các chuyên gia, nhà khoa học, các vị ủy viên các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Quá trình tổ chức lấy ý kiến, Uỷ ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong đoàn viên, hội viên của các tổ chức thành viên; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến bằng các hình thức phù hợp (tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý trực tiếp bằng văn bản (giấy hoặc thư điện tử) và góp ý trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, cũng như Cổng thông tin điện tử của MTTQ Việt Nam các cấp địa phương).
Đồng thời, chú trọng định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo Nghị quyết; phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ, các Ban tư vấn trong quá trình lấy ý kiến.
Đến nay, sau hơn 2 tuần triển khai lấy ý kiến đã cho thấy những kết quả tích cực. Tất cả các tổ chức thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, bao gồm cả Hội Luật gia tỉnh và MTTQ các cấp trong tỉnh đều đã triển khai kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Việc tiếp nhận, tổng hợp ý kiến được tiến hành song song với việc chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết để tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến ở mỗi cấp, đảm bảo đúng kế hoạch, mục đích và yêu cầu đề ra.
Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp đội ngũ cán bộ pháp lý tâm huyết, Hội Luật gia tỉnh đã phát huy vai trò, tập hợp trí tuệ của hội viên để nghiên cứu, góp ý vào dự thảo Nghị quyết. Đồng chí Đào Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết: Với kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu về pháp luật, các luật gia, chuyên gia của Hội đã tập trung phân tích các khía cạnh pháp lý, góp phần làm rõ, hoàn thiện các quy định, đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn của dự thảo. Sau khi nghiên cứu văn bản dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Hội Luật gia tỉnh cũng đã tham gia góp ý về khoản 3, điều 2 (điều khoản thi hành).
Theo đó, trong Dự thảo hiện đang dùng cụm từ “đơn vị hành chính cấp xã”. Tuy nhiên trong Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, chưa đề cập đến những đơn vị hành chính cấp xã mà chỉ dùng cụm từ: “đơn vị hành chính dưới tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương” (đơn vị hành chính dưới tỉnh bao gồm có xã, phường và các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập). Do vậy, chúng tôi góp ý nên dùng từ “đơn vị hành chính dưới tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương”, đảm bảo chặt chẽ và mang tính bao quát.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Quy trình lấy ý kiến được thực hiện một cách khoa học, đặc biệt là triển khai lấy ý kiến Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức; qua ứng dụng định danh điện tử VNeID được xem là bước tiến mới trong việc phát huy dân chủ, ứng dụng công nghệ số vào công tác xây dựng pháp luật.
Tôi kỳ vọng, khi Hiến pháp được sửa đổi thì hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng được sắp xếp, đi vào hoạt động ổn định, đáp ứng được yêu cầu phát triển, góp phần xây dựng xã hội văn minh, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”- Đồng chí Đào Thị Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân đóng góp ý kiến, bên cạnh các hình thức truyền thống, việc lấy ý kiến còn được tổ chức qua các kênh hiện đại, tiện lợi như: Góp ý trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp. Tại các địa phương, công tác vận động, tuyên truyền đang được đẩy mạnh.
Đồng chí Hoàng Minh Thịnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thành (Yên Khánh) cho biết: Xã đã chỉ đạo các Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng gia đình để hướng dẫn người dân tham gia góp ý, nhằm đạt được số lượng người dân tham gia cao nhất. Đối với những người sức khoẻ yếu, Tổ công nghệ số đến tận nhà để hướng dẫn, giới thiệu về những nội dung cơ bản trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013; làm rõ mục đích, ý nghĩa và vai trò quan trọng của việc tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Đồng thời, hướng dẫn chi tiết cho người dân cách thức tham gia góp ý thông qua ứng dụng VNeID. Sự vào cuộc tích cực của các Tổ công nghệ số cộng đồng được người dân trên địa bàn đánh giá cao.
Chị Phạm Thị Sen, xóm 4, xã Khánh Thành, chia sẻ: “Tôi được các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng đến nhà tuyên truyền, hướng dẫn việc tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID. Cách làm rất bài bản, nhanh gọn, thuận tiện. Tôi tán thành với việc sửa đổi Hiến pháp lần này. Tôi hi vọng việc sửa đổi Hiến pháp sẽ mở ra cơ hội lớn để quê hương, đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống người dân thêm ấm no, hạnh phúc”.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, việc lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 tại Ninh Bình đang diễn ra hiệu quả, góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện dự thảo, đảm bảo Hiến pháp thực sự là ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.